Ngày 30/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thực hiện nghị quyết 40 của Quốc hội về thực hiện chương trình phổ thông mới, SGK vẫn triển khai và được thực hiện từ năm 2000 đến nay, được 17 năm. Tinh thần chung là SGK cũ đã ổn định, có chăng chỉ điều chỉnh một chút.
Hàng năm, sách được tái bản, bổ sung thêm. Theo chương trình hiện nay, SGK cũ vẫn còn hiệu lực trước khi thực hiện chương trình mới theo Nghị quyết 88 (theo lộ trình sẽ bắt đầu từ năm 2019 hoặc 2020, triển khai từ lớp 1). Khi có chương trình mới, SGK cũ sẽ không còn hiệu lực.
Trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa trước khi vào năm học mới, dư luận đánh giá việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay còn lãng phí khi chưa tận dụng được sách đã qua sử dụng từ những năm học trước.
Tại nhiều nhà trường, mỗi một quyển sách giáo khoa yêu cầu đi kèm ít nhất một sách bài tập, chỉ dùng một lần rồi bỏ. Nhiều người cho rằng, sách giáo khoa cũng cho viết lời giải, trả lời câu hỏi trực tiếp vào sách nên không thể dùng lại.
Ngoài ra còn có ý kiến nghi ngờ cho học sinh viết vào sách chính là thủ thuật, tiểu xảo để bán sách chứ không hề có ý nghĩa gì về mặt chuyên môn.
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, sách giáo khoa hiện hành vẫn đang được triển khai.
Về sách tham khảo, tùy theo điều kiện gia đình, nhà trường có thể lựa chọn.
Bộ GD&ĐT đã ra các văn bản, cụ thể là văn bản 2572, 2372 ban hành ngày 11/4/2013 về việc sử dụng sách tham khảo. Năm 2014 là ban hành thông tư 21 về quy định quản lý và sử dụng sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Giải thích thêm về việc sử dụng sách tham khảo, Thứ trưởng Độ cho biết: Sách giáo khoa là sách riêng, đảm bảo có sự luân truyền lâu dài. Sách tham khảo tùy theo từng điều kiện, các gia đình, nhà trường có thể lựa chọn.
Về việc có thể sử dụng lại sách giáo khoa đã sử dụng hay không, ông Độ cho biết, trong chuyến công tác lên Lai Châu vừa qua, ông thấy sách giáo khoa cũ vẫn được sử dụng lại qua các lớp học sinh.
Tuy nhiên, thực tế, không ít giáo viên và phụ huynh cho biết, việc học sinh viết thêm vào sách giáo khoa là điều không tránh khỏi và không nên cấm. Đối với những cuốn sách nào mà học sinh tập trung đọc, nghiên cứu kỹ thì có thể ghi chú trong sách hoặc bôi màu những phần cần ghi nhớ.
Còn sách mà cô để trắng trơn ở trong thì có thể nói là không học được gì mấy từ sách. Việc ghi hoặc không ghi vào sách khi học có thể là cách thức học tập, nghiên cứu của người học. Ghi chú trong sách là một cách học hay, không thể nói là lãng phí vì sách đã ghi chú thì không thể dùng nhiều lần để chuyển cho người khác. Việc có dùng sách cũ hay không phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.
Trước đó, tại một số nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội, phụ huynh lớp 10 không thể mua được trọn bộ SGK cho con em mình. Trước hiện tượng lạ này, đại diện NXB Giáo dục giải thích do số lượng học sinh tăng đột biến ở vài địa phương nên dẫn tới một số cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ thiếu sách tạm thời.
Để khắc phục tình trạng đó, NXB đã khẩn trương cung ứng bổ sung SGK, phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh trước ngày khai giảng. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, nắm bắt ngay tình hình, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng thiếu SGK.
Việc lựa chọn sách tham khảo do Thủ trưởng, Hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định sử dụng sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ cũng chỉ đạo, yêu cầu các sách tham khảo viết trực tiếp vào trong bài là không nên", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
PV (T/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thu-truong-bo-gddt-len-tieng-viec-sach-giao-khoa-chi-dung-duoc-mot-lan-a1982.html