Chúng ta đã biết đến những lợi ích về sức khỏe thể chất của việc đi bộ. Các nghiên cứu khoa học thần kinh mới đây còn chỉ ra những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần của môn thể dục này.
Tiến sĩ, Bác sĩ tâm thần Eric Griez, người Bỉ cho biết, những lợi ích của đi bộ đối với sức khỏe thể chất, nhất là những tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch, khớp và cân nặng. Hơn thế nữa, đi bộ còn là một liệu pháp tinh thần, được sử dụng để phòng bệnh hay chữa bệnh.
Tại sao đi bộ được tôn vinh trong các hoạt động thể chất? Bởi lẽ đi bộ tương ứng với một hoạt động có cường độ trung bình. Điều này đã được chứng minh rằng đó là cách tập thể dục vừa phải, không phải gắng sức cơ bắp, có ảnh hưởng lớn nhất đến não bộ. Ngoài ra, mọi người đều có thể luyện tập hàng ngày nhằm giảm căng thẳng, lo lắng hoặc hỗ trợ điều trị trầm cảm.
TS. Griez cung cấp một chương trình trị liệu đi bộ bao gồm 7.000 đến 7.500 bước mỗi ngày, với tốc độ 100 đến 110 bước mỗi phút, trong 3 tháng. Người tham gia chương trình kiểm soát bản thân bằng máy đo hoạt động hoặc máy đếm bước đi. Bằng cách nhìn vào máy đo, người tham gia trị liệu bằng đi bộ sẽ có động lực để thực hiện số lượng bước cần thiết.
Những người bị trầm cảm nên bắt đầu với 3.000 bước mỗi ngày và sau đó tăng dần số bước. Những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần của đi bộ:
1. Đi bộ tăng khả năng nhận thức ở trẻ em và người cao tuổi
Đi bộ có tác động tích cực đến khả năng học tập nói chung, đặc biệt ở trẻ em. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ giúp cải thiện khả năng nhận thức của trẻ trong độ tuổi 4-7 và 11-13, hai giai đoạn phát triển và trưởng thành của hệ thần kinh trung ương.
Ở người cao tuổi, hoạt động thể chất làm chậm sự suy thoái của các tế bào thần kinh. Những người cao tuổi tập các hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ cũng tỏ ra minh mẫn và nhanh nhạy hơn khi họ vượt qua các bài kiểm tra tâm thần kinh.
2. Giảm lo lắng, căng thẳng
Những người đi bộ 2 đến 3 lần một tuần đều tỏ ra ít lo lắng và căng thẳng hơn. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng những người duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, ít bị các triệu chứng lo âu hơn.
Nguy cơ bị căng thẳng bệnh lý ở những người năng động, thấp hơn so với những người ít vận động. Tập thể dục có tác dụng điều chỉnh phản ứng của hormon đối với căng thẳng. Những người tham gia vào hoạt động thể chất thường xuyên trở nên có khả năng chống lại các hình thức căng thẳng về tinh thần và thể chất.
3. Cân bằng cảm xúc
Cách vận động như đi bộ, giúp duy trì cân bằng cảm xúc ở một người khỏe mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tích cực hoạt động thể chất thường thanh thản hơn những người ít vận động.
4. Ngăn ngừa nguy cơ mắc, tái phát và hỗ trợ điều trị trầm cảm
Đi bộ làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Đi bộ dưới 5.000 bước mỗi ngày tương ứng với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Kết luận này dựa trên dữ liệu nghiên cứu về việc đi bộ 7.000 bước để ngăn ngừa trầm cảm.
Cách tốt nhất chống lại sự tái phát và đeo bám của bệnh trầm cảm là tiếp tục hoạt động thể chất đầy đủ sau khi hồi phục. Nên thực hiện ít nhất 7.000 bước mỗi ngày và không đi dưới 5.000 bước. Đi bộ ở đây là đi bộ thông thường mà một người thực hành trong khi di chuyển.
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận việc sử dụng liệu pháp đi bộ trong điều trị trầm cảm. Trong quá trình điều trị trầm cảm bằng tập thể dục, việc giảm các triệu chứng trầm cảm tương ứng với mức giảm của chất miễn dịch chống viêm interleukin-6 trong máu.
Các bài tập này dẫn đến tăng monoamines não, tác dụng tương tự như tác dụng của thuốc chống trầm cảm. Cũng như khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, việc tập thể dục chỉ cho kết quả sau 8 đến 12 tuần.
L.Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-loi-ich-doi-voi-suc-khoe-tinh-than-cua-viec-di-bo-a19816.html