50 triệu người "bị mắc kẹt" do ảnh hưởng của đại dịch, xung đột và khủng hoảng khí hậu

Từ đại dịch đến khủng hoảng khí hậu, các thảm họa trong 5 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân trên khắp thế giới, đẩy họ vào tình cảnh nô lệ thời hiện đại.

Báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Walk Free và Tổ chức Di cư Quốc tế công bố ngày 12/9 đã ước tính có khoảng 50 triệu người trên thế giới được cho là nạn nhân của hôn nhân ép buộc và lao động cưỡng bức - từ đó rơi vào cảnh nô lệ thời hiện đại, tăng 25% so với năm 2016.

220912022515-child-labor-bangladesh-file-166303773668085998712-1663049453.jpg
Trẻ em làm việc ở khu vực ô nhiễm độc hại thuộc bãi rác Chittagong ở Bangladesh. Ảnh: CNN

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một loạt các cuộc khảo sát tại hơn 180 quốc gia để đưa ra kết quả này.

Theo báo cáo, đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có đối với việc làm và giáo dục, dẫn đến sự gia tăng nghèo đói, di cư không an toàn và bạo lực về giới. Tất cả đều là những nguy cơ gây ra chế độ nô lệ thời hiện đại. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết "không gì có thể biện minh cho sự dai dẳng của hành vi lạm dụng quyền cơ bản này".

"Chúng tôi biết những gì cần phải làm và chúng tôi cũng biết những gì có thể làm được. Các chính sách và quy định cấp quốc gia là cần thiết nhất và hiệu quả nhất. Nhưng các chính phủ không thể làm điều này một mình", ông Guy Ryder nói thêm.

Báo cáo cho biết một khi pháp luật tốt hơn, bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ, trẻ em gái và những người dễ bị tổn thương thì tình trạng nô lệ thời hiện đại có thể giảm đi hoặc chấm dứt.

Đối tượng dễ bị tổn thương

Báo cáo cho biết, ước tính khoảng 22 triệu người đang sống trong hôn nhân bị ép buộc, tăng 46% so với số liệu năm 2016.Hơn 2/3 trong số những người bị ép buộc kết hôn là phụ nữ và trẻ em gái, khiến họ rơi vào nguy cơ bị bóc lột và bạo lực tình dục cao hơn.

Cũng ngày càng nhiều người dân châu Á và Thái Bình Dương rơi vào tình trạng hôn nhân cưỡng bức phổ biến hơn. Tuy nhiên, khi tính đến quy mô dân số, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hôn nhân cưỡng bức phổ biến nhất là ở các quốc gia Ả Rập. Báo cáo khẳng định, đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng nô lệ thời hiện đại, trong đó có cả hôn nhân cưỡng bức.

Ở một số quốc gia, lệnh phong tỏa đất nước trong dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến những người làm công ăn lương mỗi ngày. Trong khi đó, tình trạng đóng cửa trường học đã khiến trẻ phải đi tìm việc làm thêm như lau dọn bàn ăn. Thủ đô Delhi, Ấn Độ đã trải qua thời gian dài đóng cửa trường học vì đại dịch Covid-19, khiến hơn 4 triệu trẻ không đến trường trong hơn 600 ngày.

Theo ông Shaheen Mistri, Người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Teach For India, khoảng 10% trẻ em ở các trường công lập của thành phố Delhi đã bỏ học vì đại dịch Covid-19 và tác động của khó khăn kinh tế vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những gia đình nghèo.

"Tình trạng tảo hôn, bạo lực trẻ em gia tăng. Dinh dưỡng cũng là vấn đề lớn vì nhiều trẻ chỉ phụ thuộc vào các bữa ăn ở trường", ông Mistri nói.

Theo ông Mistri, dữ liệu cung cấp trong báo cáo ngày 12/9 chưa phản ánh được bức tranh toàn cảnh.

"Vì dữ liệu chỉ phản ánh một phần của tác động đại dịch Covid-19 nên báo cáo chỉ đánh giá ở phạm vi ảnh hưởng của đại dịch", ông Mistri khẳng định.

Trẻ em và lao động cưỡng bức

Theo báo cáo, lao động cưỡng bức đã tăng 11% lên 28 triệu người kể từ năm 2016, trong đó khoảng 1/8 là trẻ em. Vì vậy, đây là "vấn đề đặc biệt cấp bách". Hơn 1/2 trẻ em bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại liên quan đến tội phạm buôn người, trong đó hình thức cưỡng bức lao động nằm ở các dịch vụ tình dục.

"Các báo cáo cũng chỉ ra rằng trẻ em có thể phải đối mặt với các hình thức cưỡng bức và lạm dụng nghiêm trọng như bắt cóc, đánh thuốc mê, bị giam cầm, lừa dối và thao túng nợ", báo cáo viết. "Một số hành vi lạm dụng tồi tệ nhất đã xảy ra liên quan đến tình trạng xung đột vũ trang".

Khủng hoảng thị trường lao động, Nhật Bản liên tục tăng lương

Báo cáo cho biết khoảng 86% trường hợp lao động cưỡng bức thường tìm thấy trong các ngành công nghiệp tư nhân, bao gồm sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, trong đó châu Á và Thái Bình Dương chiếm 1/2.

Nghiên cứu cũng phát hiện sự khác biệt giữa các giới tính khi nhắc đến lao động cưỡng bức, nhấn mạnh đến các ngành nghề sử dụng lao động và bản chất của hình thức cưỡng bức. Liên quan đến cưỡng bức lao động, báo cáo cũng nêu rõ phụ nữ thông thường làm những việc nội trợ trong khi nam giới thường làm việc trong ngành xây dựng.

"Thông thường, phụ nữ bị cưỡng bức lao động là do bị lạm dụng hoặc không được trả tiền. Nam giới đối mặt với khả năng bị đe dọa bạo lực và các hình phạt tài chính", báo cáo cho biết.

 

 

 

 

Hồng Nhung Theo Tổ Quốc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/50-trieu-nguoi-bi-mac-ket-do-anh-huong-cua-dai-dich-xung-dot-va-khung-hoang-khi-hau-a19708.html