Cảnh báo về sự nguy hiểm khi lạm dụng truyền dịch

Truyền dịch mỗi khi sốt hay cơ thể mệt mỏi là tình trạng khá phổ biến trong bộ phận người dân hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ y tế tại nhà đang phát triển mạnh tại thời điểm hiện tại. Thế nhưng, không ít những trường hợp đã phải nhận hậu quả nặng nề do thói quen lạm dụng truyền dịch này.

Không phải cứ ốm, sốt… là truyền dịch

Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức cho ra hàng trăm địa chỉ, số điện thoại cung cấp dịch vụ này. Thậm chí, trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) cũng có rất nhiều tài khoản cá nhân nhận truyền dịch tại nhà.

Chị Thùy T. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy mệt mỏi do mang thai. Lo lắng khi liên tục nhiều ngày ăn vào bị nôn trớ, người phụ nữ lên mạng hỏi tìm người truyền dịch tại nhà. Sau dòng chia sẻ của chị T., nhiều người vào nhận có thể đáp ứng dịch vụ, một số người bạn khác lại giới thiệu cho chị số điện thoại.

“Có cung ắt có cầu” trên mạng xuất hiện không ít quảng cáo về dịch vụ truyền dịch tại nhà. Trên fanpage Dichvu…, một thành viên nhận truyền nước tại nhà ở tất cả các quận Hà Nội. Người này quảng cáo sẽ “có mặt tại các gia đình sau 15-20 phút, cắm kim nhẹ nhàng và luôn túc trực trong lúc truyền”. Giá truyền tại nhà 150 nghìn đồng/chai (đã bao gồm công truyền). Ngoài ra, thành viên này còn có các dịch vụ y yế khác như: tiêm, xét nghiệm máu, truyền dịch, truyền đạm, truyền hoa quả, truyền thải độc tại nhà.

Một thành viên khác là N.N (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhận truyền nước tại nhà cho khách. Người này nhận các trường hợp cần tiêm, truyền nước tại nhà gồm tiêm dưỡng thai, bổ não, chuyển phôi; bệnh nhân sốt virus, sốt xuất huyết; người mệt mỏi, suy nhược cơ thể; Ngộ độc, tiêu chảy mất nước; tụt huyết áp, đau đầu chóng mặt tiền đình…

Mức giá truyền dịch khá đa dạng (từ vài trăm đến 1 triệu đồng), được nhiều người dân ưa chuộng do tính nhanh chóng, tiện lợi. Vì vậy có nhiều người lạm dụng truyền dịch tại nhà khi bị ốm, người mệt mỏi.

a8-1663003420.jpg

Đánh vào tâm lý lo ngại của người dân, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, một số nơi vẫn quảng cáo rầm rộ về các dịch vụ truyền dịch.

Kỹ thuật truyền dịch tưởng đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai biến. Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn đã cấp cứu cho một bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, do bị sốt nên bệnh nhân này đã sử dụng dịch vụ truyền dịch và tiêm vitamin tổng hợp tại nhà. May mắn, sau khi được lọc máu, áp dụng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh, trong truyền dịch có những vấn đề đáng lo ngại, như: Người bệnh bị sốc phản vệ, tử vong; tim của người bệnh không tải nổi lượng dịch, truyền quá tốc độ sẽ gây suy tim, tử vong; không thải được dịch, người sẽ phù lên… Do đó, việc truyền dịch thường được chỉ định trong bệnh viện với những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ, như: Truyền chất gì, lượng bao nhiêu, tốc độ ra sao, dịch đó có phù hợp với người bệnh không, người bệnh có suy thận, suy tim không…

“Không phải cứ ốm, sốt… là cần được truyền dịch. Những người bị mất nước mà không đưa nước vào được bằng đường miệng hoặc người bị mất nước nặng, nhiều mà bổ sung nước bằng đường miệng không kịp thì mới chỉ định truyền dịch. Ngoài ra, những người quá suy kiệt, ăn uống không được thì sẽ truyền các chất bị thiếu vào cơ thể”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý.

Với tình trạng lạm dụng việc truyền dịch tại nhà như hiện nay, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cảnh báo, việc tự ý truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm. Nếu xảy ra sốc phản vệ, thì điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở bệnh viện. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn có thể không bảo đảm bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra.

a9-1663003450.jpg

Người bệnh được truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng).

Cần nghe tư vấn của bác sĩ

Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy, liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, bệnh nhân cần phải khám tim, phổi, đo mạch… Ngoài ra, để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, đồng thời lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt. Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay. Trong quá trình truyền dịch, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch, như: Người bị suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo, không nên lạm dụng và tùy tiện thực hiện truyền dịch. Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được, thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống. Mọi người có thể bù nước bằng cách thông thường như với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch, thì việc truyền cho trẻ một chai Glucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Hay truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.

Thời điểm hiện nay, khi dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, nhiều người khi mắc bệnh cảm thấy mệt mỏi, sốt cao, không thể ăn uống... cũng đã tự ý truyền dịch. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7/2022, vụ việc một phụ nữ mắc sốt xuất huyết bị tử vong sau khi truyền dịch ở một phòng khám tư tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm khi lạm dụng truyền dịch.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng lưu ý, trong những ngày đầu khi mắc sốt xuất huyết (thường là 4 ngày), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà.

L.Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-ve-su-nguy-hiem-khi-lam-dung-truyen-dich-a19676.html