Thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới tương đối đáng kể, với tốc độ đang gia tăng, kéo theo những hệ luy đáng tiếc và đau xót cho nhiều gia đình. Theo kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt tại Việt Nam. Ngoài ra, gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá.
Do đó, Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện, chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, đồng thời không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong trường học.
Theo ThS.BS Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, với thanh thiếu niên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não. Thuốc lá điện tử có chưa nồng độ nicotin cao, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống và hành vi của giới trẻ….
Nhiều bằng chứng cho thấy, việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng, thậm chí được quản lý chặt chẽ, sẽ đều mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.
Mặc dù xuất hiện muộn nhưng thuốc lá điện tử gia tăng đột biến bởi thanh thiếu niên là chìa khoá thị trường, là mục tiêu nhắm tới của các công ty thuốc lá.
Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) vẫn có hại như thuốc lá điếu truyền thống. Theo thống kê, tỉ lệ giới trẻ nghiện thuốc lá điện tử đang tăng. Bên cạnh việc thay đổi trong đóng gói, thiết kế mẫu mã, thuốc lá mới còn được tiếp thị và truyền thông theo hướng nhằm tác động, kích thích lan truyền mạnh nhất đến giới trẻ.
Đồng quan điểm, ThS. Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, hiện trên thị trường thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có đến hơn 15.000 vị hương khác nhau, chính vì thế cũng tạo ra nhiều lựa chọn cho giới trẻ. Từ thiết kế, hương vị đến chiến lược quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử đều hướng đến giới trẻ, tạo nên trào lưu, phong cách hấp dẫn giới trẻ.
Hơn nữa, thuốc lá điện tử có giá thành rẻ, dễ tiếp cận, dễ mua thông qua các mạng xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ, hội nhóm,... Đáng chú ý, theo điều tra tại Hà Nội và TP HCM của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thừa nhận những khó khăn, thách thức trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học. Theo Sở GDĐT TP. HCM, cần sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội…
Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết của tài liệu tập huấn, tuyên truyền, đồng thời, quán triệt không sử dụng thuốc lá trong trường học đối với cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục.
Trong khi đó, Sở GDĐT Đà Nẵng đề xuất việc trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, biết cách phòng tránh, biết nói không trước những rủ rê, cám dỗ. Giáo viên cần quan tâm sâu sát tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng em học sinh qua các việc làm cụ thể, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Minh Khai, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng để giải quyết những khó khăn trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, đặc biệt thuốc lá điện tử, cần ký cam kết giữa Ban giám hiệu với phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học; tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức; thành lập lực lượng giám sát trường học; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh; thành lập câu lạc bộ truyền thông do chính học sinh nhà trường phụ trách.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này.
NQ
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/siet-chat-viec-viec-su-dung-thuoc-la-the-he-moi-trong-truong-hoc-a19628.html