Nhiễm độc nặng vì tự uống thuốc giảm cân

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nguy hiểm về việc tự sử dụng thuốc giảm cân, giảm cân nhanh tại nhà nhưng vẫn còn nhiều người tin vào quảng cáo trên mạng xã hội, tuy cân có giảm nhưng lại gặp họa.

Chị N.T.A., 42 tuổi, cao 1m60, nặng 70kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Với mong muốn giảm cân để cơ thể đẹp hơn, chị thấy trên mạng quảng cáo thuốc giảm cân Thái Lan nên mua về sử dụng.

Sau 1 tháng đều đặn uống 2 viên vào buổi tối mỗi ngày, chị A giảm được 3kg nên rất mừng rỡ và tiếp tục uống thuốc. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì chị A. xuất hiện triệu chứng buồn nôn, rồi ra máu tươi, cục máu đen… và được gia đình đưa đi cấp cứu.

Tại trung tâm y tế, chị được chẩn đoán và theo dõi viêm loét dạ dày, đại tràng, nghi nấm thực quản. Nhưng những ngày sau đó bệnh không đỡ, tiến triển nặng hơn, mồm cứng và lở loét nên chị được chuyển lên Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, chị A. được chẩn đoán nhiễm toan chuyển hóa sau khi sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.

Dùng thuốc giảm cân, những mối nguy rình rập - Ảnh 1.

Giảm cân nhanh bằng thuốc là việc làm gây hại khó lường.

Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa hay còn gọi là nhiễm độc acid, là tình trạng nồng độ acid trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể. Toan chuyển hóa nặng có nguy cơ ảnh hưởng lên hệ tim mạch, gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp thất, hôn mê… Tình trạng sức khỏe của chị A. ngày một xấu đi. Nội soi và chụp X-quang cản quang dạ dày cho thấy hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày. Chị A. không thể tự ăn uống được mà phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Tình trạng suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng...

Sau 3 tháng điều trị, hồi sức tích cực và chăm sóc toàn diện, bệnh nhân dần hồi phục, có thể tự ăn uống bằng đường miệng và dần hồi phục sức khỏe.

Đây là một ca bệnh điển hình về biến chứng rất nặng sau khi uống thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường đã được cấp cứu và điều trị thành công, dù để lại không ít hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, có những ca bệnh đã không còn cơ hội tiếp tục sống, bởi tin vào một "phép màu" giảm cân, làm đẹp theo các "thần y" mạng…

Giảm cân không phải chỉ dùng thuốc là được

Nhu cầu làm đẹp, giảm cân của cả phái nữ và nam là chính đáng và nhu cầu này rất lớn. Có cầu ắt có cung, do đó một số cơ sở sản xuất sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc và người kinh doanh sản phẩm này bất chấp lợi nhuận đã quảng cáo sản phẩm mà không hề tính đến hậu quả đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin.

Dùng thuốc giảm cân, những mối nguy rình rập - Ảnh 2.

Giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài, cần kết hợp chế độ ăn và luyện tập phù hợp.

PGS.TS Trần Thị Thanh Hóa - nguyên Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết: "Giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể, đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp. Đa số các trường hợp thừa cân là do mất cân bằng hai yếu tố: Dinh dưỡng và vận động. Do đó, một người thừa cân phải thực hiện chế độ ăn phù hợp và luyện tập là quan trọng nhất (năng lượng nạp vào phải thấp hơn năng lượng tiêu hao).

Nếu không tác động đến dinh dưỡng và luyện tập mà chỉ trông đợi vào một chế phẩm nào đó (thuốc, thực phẩm chức năng, trà….) để giảm cân là hoàn toàn không thể được. Các quảng cáo giảm cân mà "không cần giảm ăn, không cần luyện tập" là quảng cáo thất thiệt hoàn toàn, không đáng tin cậy".

Một số thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân có thể chứa chất gây hại

Các thuốc chống béo phì như phenmetrazin, phentermin, isomeride, anorex, ponderal trước đây được cấp phép sử dụng, nhưng do các tác dụng phụ gây nghiện và bất lợi trên tim mạch của thuốc nên đã bị rút phép và cấm sử dụng.

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hóa, hiện tại có một số loại thuốc dùng để điều trị béo phì, tuy nhiên phải do bác sĩ kê toa.

Có nhiều loại thực phẩm chức năng chứa thuốc chống béo phì nguy hiểm đã bị cấm (fenfluramine, sibutramine, phenolphtalein). Do đó người tiêu dùng cần thận trọng và xem xét kỹ các thành phần có trong sản phẩm.

Một số thuốc/thực phẩm chức năng có chứa thuốc xổ, sau khi uống thì người sử dụng giảm cân do đi tiêu nhiều và mất nước. Ngoài tác dụng phụ gây mệt mỏi do mất nước thì sau khi ngừng sử dụng thì cân nặng trở về như cũ.

Người tiêu dùng có thể kiểm tra trên nhãn mác các thành phần của sản phẩm mình sử dụng có chất cấm hay không. Tuy nhiên các mặt hàng trôi nổi thì khó kiểm soát được thành phần cũng như hàm lượng, nên người dùng không nên tin vào quảng cáo mà mua về sử dụng bừa bãi.

Nếu có nhu cầu giảm cân, tốt nhất là nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp với tập luyện thể thao phù hợp. Chớ nên tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở khoa học để dẫn đến tiền mất tật mang.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhiem-doc-nang-vi-tu-uong-thuoc-giam-can-a19465.html