Cần có mục riêng quy định phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và trên thực tế hàng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn. Bởi vậy, cần có mục riêng quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình.

0908-nguyen-thi-viet-nga-hai-duong-1662696298.jpg
 

Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng ngày 8/9, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Không nên quy định hành vi bạo lực với người đã ly hôn

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn, trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định  để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.

Về vấn đề trợ giúp pháp lý, theo đại biểu, người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật. Đại biểu nêu rõ, quy định như vậy chưa rõ ràng, tường minh, không thống nhất với Luật Trợ giúp pháp lý.

Bởi vậy, cần quy định người bị bạo lực gia đình có các quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của dự thảo Luật: “Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất với việc không áp dụng đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Theo đại biểu, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam không nhiều, các trường hợp người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình cũng rất ít. Do vậy, việc không áp dụng luật này với đối tượng này là hợp lý và cũng phù hợp với quan hệ đối ngoại, ngoại giao của nước ta với các nước khác.

Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo Luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ mất nhiều thời gian, và có thể sẽ không ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình không.

Do vậy dự thảo Luật cần cân nhắc lại quy định này, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn luôn, không nhất thiết phải theo trình tự như quy định của dự thảo Luật, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

Quy định riêng về nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em

Cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và trên thực tế hàng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn.

Theo thống kê của Tổng đài 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của 1 Tổng đài, con số thực tế sẽ lớn hơn rất là nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho hay, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai... Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát để sửa một số lỗi về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật, nên thống nhất các khái niệm được sử dụng trong Luật.

Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương  bày tỏ quan tâm đến các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Theo đó, cần nêu rõ nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này trong báo cáo; tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật và cần có chương riêng trong dự thảo Luật về phòng chống bạo lực gia đình đối vơi trẻ em.

Đại biểu kiến nghị  bổ sung 1 mục về giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình. Đồng thời đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của nhóm đối tượng này.

Trong đó quy định về nguyên tắc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. “Các quy định này sẽ không trùng với quy định của Luật Trẻ em, bởi Luật này sẽ quy định riêng và cụ thể hóa những nội dung về vấn đề bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình”, đại biểu nêu rõ./.

Bích Liên

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-co-muc-rieng-quy-dinh-phong-chong-bao-luc-tre-em-trong-gia-dinh-a19462.html