Đã có hơn 190.000 ca mắc, 72 ca tử vong do sốt xuất huyết, chuyên gia lưu ý thời điểm nguy hiểm của bệnh

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp. Chuyên gia lưu ý bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm.

Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nguy kịch

Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy trong tuần 35/2022 cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước số nhập viện giảm 18,7%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (47.048/19) số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.

Tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào BV Bệnh Nhiệt đới TW đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Tuần vừa qua, đã có 4 trường hợp tử vong mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn khi bệnh diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không thể cứu chữa.

Theo các bác sĩ, 4 bệnh nhân đã tử vong đều vào viện trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…

Sốt xuất huyết gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW

Sốt xuất huyết gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW

Tại nhiều cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện thì đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch...

Chuyên gia lưu ý thời điểm nguy hiểm của sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Rất nhiều trường hợp vào viện đã là ngày thứ 4, thứ 5, tức là bước vào giai đoạn nặng, họ không được kiểm soát tốt việc truyền dịch, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm để đánh giá xác định tình trạng bệnh…

BS. Hùng cảnh báo, trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta cùng lúc phải đối mặt với 3 loại dịch bệnh (sốt xuất huyết, cúm A, COVID-19), người dân đôi khi chưa đánh giá đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh.

3 bệnh này đều có đặc điểm chung là sốt, nên khi bị sốt bệnh nhân rất mơ hồ không biết mắc bệnh gì. Với cúm và COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, thường bệnh nhân sẽ có triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, chảy mũi, hắt hơi...

Còn với sốt xuất huyết là bệnh lây qua muỗi đốt, lây qua đường máu nên hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp trong giai đoạn đầu tiên. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào một yếu tố đó thôi thì không đủ để phân định được 3 bệnh lý đó.

"Chúng tôi khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi… nên đến cơ sở y tế khám để xác định căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi phù hợp, tránh trường hợp biến chứng nặng, điều trị khó khăn" – BS Hùng nói.

Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu bạn đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sĩ. Không cần thiết uống kháng sinh.
Không truyền dịch khi không có chỉ định. Một số trường hợp vào cơ sở y tế tư nhân đã truyền dịch vượt quá quy định, dễ diễn biến nặng với bệnh nhân.

Thái Bình

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/da-co-hon-190000-ca-mac-72-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-chuyen-gia-luu-y-thoi-diem-nguy-hiem-cua-benh-a19411.html