Bị liệt, đi ngoài ra đốt sán… vì thích ăn gỏi
Ngay trong tháng 8/2022, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận và phẫu thuật điều trị cho một nam bệnh nhân 38 tuổi, sinh sống ở vùng cao, bị nang sán nội tủy ngang đốt sống C7. Bệnh nhân có thói quen ăn gỏi, ăn đồ sống. Cách đây khoảng 1,5 tháng, bệnh nhân thấy tê yếu hai chân, bệnh tiến triển nặng đến khi bí tiểu tiện, liệt gần như hoàn toàn hai chân, người nhà mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tại đây, sau phẫu thuật, bệnh nhân có những tiến triển về vận động và cảm giác ở hai chân.
Tại Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), mỗi năm đều tiếp nhận và xử lý phẫu thuật nhiều ca ký sinh trùng hệ thần kinh trung ương, trong đó có nang sán ở tủy sống. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiếu, Khoa Ngoại thần kinh cho biết, bệnh lý ký sinh trùng ở hệ thần kinh trung ương là một bệnh lý thường gặp ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh kém. Trong các loại ký sinh trùng hệ thần kinh trung ương thì nang sán dây lợn là bệnh lý thường gặp nhất. Bệnh gặp chủ yếu trên não, tại tủy sống chỉ chiếm từ 1,5% đến 3%. Tùy vị trí của nang sán trong tủy, biểu hiện lâm sàng có thể khác nhau; yếu liệt tứ chi nếu tổn thương tủy cổ, đau buốt yếu chân nếu tổn thương vùng thắt lưng cùng.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Phòng Khám ký sinh trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An) tiếp nhận bệnh nhân nam 45 tuổi đến khám vì lý do thường xuyên bị đau bụng vùng xung quanh rốn, có buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, thỉnh thoảng bệnh nhân đi đại tiện có phát hiện nhiều sợi màu trắng đục, hơi ngà vàng dài 2-3cm (đốt sán) lẫn theo phân ra ngoài. Qua khai thác tiền sử bệnh được biết, bệnh nhân thường xuyên ăn thịt lợn tái, thịt bò tái, gỏi cá và hay ăn tiết canh lợn, tiết canh bê. Sau khi thăm khám và kiểm tra các mẫu bệnh phẩm mà bệnh nhân mang theo, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân đã bị nhiễm sán dây trưởng thành và được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Các bác sĩ còn đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ do ăn cá sống, ăn gỏi cá. Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho rằng, nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ đặc biệt cao khi có thói quen ăn cá sống, gỏi cá, các món cá nước ngọt ở ao, sông, hồ không nấu chín. Ngay cả khi chỉ ăn một lần thì vẫn có thể nhiễm sán lá gan nhỏ. Thậm chí, cá ở suối được cho là cá sạch thì cũng có thể gây nhiễm sán lá gan nhỏ.
“Bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhỏ có biểu hiện đau bụng kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút. Đặc biệt là biểu hiện đau do viêm đường mật, viêm túi mật. Sán lá gan nhỏ có thể sống trong cơ thể người đến 25 năm, chúng sống trong gan, gây sỏi mật dẫn đến xơ gan, xơ hóa đường mật. Đáng lưu ý, sán lá gan nhỏ sau nhiều năm tồn tại trong gan có thể gây ung thư đường mật dẫn đến tử vong”, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng cảnh báo.
Còn với người nhiễm sán lá ruột nhỏ thường không biểu hiện các triệu chứng điển hình, chủ yếu chỉ là rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Theo Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, loại sán này sống trong ruột non, hút chất dinh dưỡng, gây rối loạn tiêu hóa. Hiện cộng đồng còn ít biết về loại sán này. Trong cơ sở y tế cũng có thể chưa chú ý phát hiện sán lá ruột nhỏ.
Hạn chế ăn đồ sống, giữ vệ sinh tay chân
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương đã đưa ra lưu ý, khi đã từng ăn gỏi cá, làm gỏi cá, sống trong vùng có nhiều người nhiễm sán lá gan nhỏ, có các triệu chứng như hay đau bụng, chán ăn, khó tiêu, gầy sút, xạm da, vàng da thì nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa, để được chẩn đoán đúng. Điều trị sán lá gan nhỏ bằng thuốc đặc trị sẽ loại bỏ hoàn toàn.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ. Đây là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý, tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm. Người nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín, như: Gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói... Mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín. Người dân không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước…
Còn theo ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi ăn ốc, cua nướng thì dù bên ngoài vỏ được nướng chín, nhưng bên trong chưa chín hẳn cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các loại sán. Ngoài ra, với món gỏi (sống) như hàu, cá... thì nguy cơ nhiễm sán còn cao hơn. Vì vậy, mọi người cần tuân thủ ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ sống. Ngoài ra, với người có nguy cơ nhiễm sán như sống trong vùng đã có người mắc, thường xuyên ăn đồ sống, lại có biểu hiện như sốt, đau đầu, lơ mơ… nên đi khám càng sớm càng tốt.
L.Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhieu-nguoi-nhiem-san-la-gan-do-thoi-quen-an-goi-a19256.html