Nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã huy động được trên 23.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX. Xin bà cho biết những thành tựu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ X?
Bà Bùi Thị Hòa: Trong nhiệm kỳ qua, bằng những hoạt động thiết thực, các cấp Hội trong cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trợ giúp số lượng lớn những người có hoàn cảnh khó khăn với giá trị trợ giúp năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân tham gia; hệ thống tổ chức Hội được củng cố và tiếp tục có bước phát triển.
Nhiệm kỳ 2017 – 2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX), thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương. Trong đó, giá trị công tác xã hội nhân đạo đạt trên 16 nghìn tỷ đồng, trợ giúp trên 43,5 triệu lượt người; Giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt trên 3 nghìn tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 40,8 triệu lượt người khó khăn; Giá trị hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 5,2 triệu lượt người.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua Hội chủ trì tham mưu và tổ chức thành công “Tháng Nhân đạo” - Tháng cao điểm vận động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo vào tháng 5 hằng năm, thiết thực chào mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với kết quả năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cấp Hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức thành công các hoạt động như: Kết nối cộng đồng – vượt qua thử thách; Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ các vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19; Chương trình túi hàng gia đình… hỗ trợ các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi đại dịch…
Với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua sẽ là tiền đề cho sự phát triển nhiệm kỳ 2022 - 2027, vậy Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có những định hướng gì cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ hướng sát nhu cầu đối tượng, chuyên nghiệp và hiệu quả, thưa bà?
Bà Bùi Thị Hòa: Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - “Đổi mới vì sự phát triển bền vững” đã xác định rõ nhiệm vụ then chốt; nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; nhiệm vụ đột phá, tạo định hướng quan trọng cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Những năm tiếp theo của nhiệm kỳ, tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến khó lường, nhất là đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, do vậy nhiệm vụ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cần có nhiều đổi mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cần phải chung tay, nỗ lực, có tâm huyết cao. Toàn Hội xác định mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động nhân đạo tập trung vào một số định hướng lớn với: Hai khâu đột phá, một phong trào, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm và hai đề án.
Hai khâu đột phá, đó là: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.
Một phong trào lớn - Một cuộc vận động lớn là: Phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” với mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng. Qua đó, góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội.
Hai chương trình trọng điểm: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển. Và Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành đã và đang triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và tỉnh Hòa Bình).
Hai đề án: Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”; Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”.
Với truyền thống và những kết quả mà Hội đã đạt được, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần XI nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ là mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hội, thực hiện tốt sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!
Là một tổ chức xã hội có tính đặc thù, hoạt động theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với các hoạt động thiết thực đã thu hút ngày càng đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm người dân cùng tham gia công tác nhân đạo. Các phong trào, cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đã được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, thích ứng trong bối cảnh COVID-19. Nhiều mô hình trợ giúp nhân đạo mới hiệu quả, lan tỏa trong cộng đồng. Nhiệm kỳ 2017 – 2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX), thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương.
Kim Hoa (thực hiện)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoi-chu-thap-do-viet-nam-doi-moi-vi-su-phat-trien-ben-vung-a19189.html