Thanh Hóa: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và công bố hoàn thành xây dựng Nông thôn mới tại Sầm Sơn

Sáng ngày 28/8, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức trọng thể Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Dự lễ khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Khánh Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa và đông đảo nhân dân tham dự chuỗi sự kiện đặc biệt này.

anh-3-28092022-1661694823.jpg
 Chủ tịch nước thăm mô hình tượng đài con tầu tập kết

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cáo những thành tích mà tỉnh Thanh Hóa nói chung và Sầm Sơn nói riêng đã đạt được trong thời gian vừa qua. Trong lịch sử, tỉnh Thanh Hóa là hậu phương đón đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất cả nước, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ, chiến sỹ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và xây dựng quê hương. Trong thời gian ấy, đồng bào miền Bắc nói chung và đồng bào Thanh Hóa nói riêng đã nhường cơm sẻ áo, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để đón tiếp, chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ, học sinh cùng nhiều gia đình chính sách miền Nam như những người thân yêu, ruột thịt của chính mình. “Với tình cảm chân thành đó, chúng tôi luôn mong muốn có một biểu tượng tại Thanh Hóa, để thể hiện sự tri ân những công lao to lớn, sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc của nhân dân, việc xây dựng khu lưu niệm phải đạt yêu cầu về chất lượng cũng như giá trị văn hóa, phấn đấu hoàn thành vào dịp 70 năm ngày cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 2024. Tôi đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng Dự án Khu tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tôi mong muốn đây là khu lưu niệm sẽ thật sự trở thành một địa điểm, và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, thể hiện tình đoàn kết Bắc - Nam nhằm lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết Nam - Bắc thủy chung son sắc mỗi khi đến với mảnh đất xứ Thanh trung dũng, kiên cường” - đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

anh-1-28092022-1661694823.jpg
Chủ tịch nước cùng các Lãnh đạo Trung ương nhấn nút khởi công khu lưu niệm

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát huy truyền thống lịch sử văn hóa gần một nghìn năm của vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt, với bề dày truyền thống yêu nước, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng Thanh Hóa phát triển thành tỉnh “kiểu mẫu” như Bác Hồ mong ước khi lần đầu Bác về thăm Thanh Hóa vào năm 1947.

Về xây dựng Nông thôn mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng phía Đông và phía Tây xứ Thanh. “Phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết của nhân dân Thanh Hóa, Đảng, Nhà nước tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung, TP.Sầm Sơn nói riêng sẽ tiếp tục đồng lòng, chung tay thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 19 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, phát triển đô thị của Thanh Hóa nói chung và thành phố Sầm Sơn nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại hơn, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng khá, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cảm ơn những tình cảm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Trung ương đối với Thanh Hóa. Trên tinh thần đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ không ngững nỗ lực, đoàn kết để tạo nên sức mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra, không phụ lòng mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

anh-2-28092022-1661694823.jpg
Chủ tịch nước trao Huân chương lao động cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn

 Theo đó, tại buổi lễ ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 15/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 6 xã của huyện Quảng Xương vào thị xã Sầm Sơn. Ngày 19/4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập TP.Sầm Sơn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới của TP. Sầm Sơn có những điều kiện thuận lợi hơn so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay căn bản, tạo nên một diện mạo mới đầy sức sống cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Từ đó có nhiều sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tình cảm, trách nhiệm đối với quê hương Sầm Sơn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng, đồng hành của nhân dân, bộ mặt nông thôn ở Sầm Sơn đã có nhiều đổi thay căn bản, tạo nên một diện mạo mới.

Cụ thể, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, vì vậy, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 61 triệu đồng năm 2010 lên 150 triệu đồng năm 2020.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân thời kỳ 2010-2020 đạt 20,8%. Tổng giá trị sản xuất tăng từ 190 tỉ đồng năm 2010 lên 2.930 tỉ đồng năm 2020. Dịch vụ - thương mại phát triển mạnh cả về quy mô và loại hình; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Sầm Sơn. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ từ 1.100 tỉ đồng năm 2010 lên 6.161 tỉ đồng năm 2020.

Tổng nguồn lực huy động cho việc xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay trên 977 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và của tỉnh chiếm 7,7%, ngân sách TP chiếm 10,64%, ngân sách xã chiếm 8,26%; còn lại do nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, cải tạo, chỉnh trang nhà ở…

Thông tin khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng công trình, khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Sau một thời gian chuẩn bị, Dự án đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết nghị thông qua năm 2020. UBND TP Sầm Sơn được giao làm chủ đầu tư. Dự án có với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày.

Ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: "Đây là công trình có ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ đối với cả nước nói chung, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam và nhân dân Thanh Hóa nói riêng. Hai sự kiện ngày hôm nay sẽ là dấu ấn quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của TP Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung ngày một phát triển như sự kỳ vọng của Trung ương Đảng và sự mong muốn của Bác Hồ khi Người lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa".

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Quyết định của Thủ tướng chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thanh Huyền

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-hoa-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-du-le-khoi-cong-du-an-khu-luu-niem-dong-bao-can-bo-chien-si-hoc-sinh-mien-nam-tap-ket-ra-bac-va-cong-bo-hoan-thanh-xay-dung-nong-thon-moi-tai-sam-son-a19185.html