Ngày 03/6/2008, Quốc Hội nước CHXHCHVN đã thông qua Luật Hoạt động CTĐ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43/2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam”, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 03/2011/NĐ-CP về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động CTĐ. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với công tác CTĐ.
Luật đã quy định các nhiệm vụ cụ thể của Hội CTĐ bao gồm: Hoạt động CTĐ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Hoạt động CTĐ về chăm sóc sức khỏe; Hoạt động CTĐ về sơ cấp cứu ban đầu; Hoạt động CTĐ về hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Hoạt động CTĐ về tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Hoạt động CTĐ về tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Hoạt động CTĐ về phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
Việc quy định cụ thể nhiệm vụ là cơ sở cho các cấp Hội CTĐ Việt Nam xác định những hoạt động ưu tiên của mình, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, hướng dẫn các hoạt động CTĐ.
Luật cũng quy định Hội CTĐ với vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội CTĐ Việt Nam (do Hội CTĐ Việt Nam thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện) thể hiện chủ trương và tầm nhìn chiến lược trong phát triển tổ chức cũng như hoạt động nhân đạo, từ thiện tại Việt Nam, góp phần giảm chồng chéo, cạnh tranh trong hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Luật đã xác định rõ các nguyên tắc hoạt động CTĐ và các hành vi bị nghiêm cấm. Việc thực thi các quy định này đã góp phần làm cho hoạt động CTĐ được quản lý thống nhất, thực hiện có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, giảm thiểu tình trạng vụ lợi, lợi dụng hoạt động nhân đạo.
Luật cũng khẳng định rõ chính sách ưu việt của Nhà nước ta đối với hoạt động CTĐ, vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, vừa có chính sách bồi thường cho tổ chức, cá nhân khi bị thiệt hại về tài sản và sức khỏe trong quá trình tham gia hoạt động CTĐ. Vì vậy ngày 09/7/2013, các Bộ có liên quan đã ban hành Thông tư số 02/2013/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-BYT để hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, mức hỗ trợ người đang trực tiếp tham gia hoạt động CTĐ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe. Đây sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với từng cá nhân bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khoẻ trong công tác CTĐ, có thể nói là niềm động viên, khuyến khích mọi người tham gia vào hoạt động CTĐ.
Sau khi có Luật Hoạt động CTĐ, công tác hoạt động CTĐ đã được luật hoá và được sự vào cuộc của các cấp, các ngành: Hội là thành viên của Mặt trận tổ quốc từ cấp trung ương đến địa phương. Các Bộ đã ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn những vấn đề theo quy định tại Điều 32 Luật hoạt động CTĐ đối với ngành mình phụ trách. Các tỉnh thành, địa phương từ sau khi có luật đã có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác CTĐ. Các cơ sở, tổ chức CTĐ từ trung ương đến địa phương đã được cấp trụ sở, kinh phí, phương tiện để hoạt động thường xuyên đáp ứng được yêu cầu công tác CTĐ.
Đối với 07 nhiệm vụ thường xuyên của Hội CTĐ đều đã được các cấp Hội cụ thể hoá bằng các phong trào và các cuộc vận động như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; “Ngân hàng bò”; “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”; “công tác hiến máu nhân đạo”… gắn bó thiết thực với đời sống nhân dân, đi sâu vào quần chúng. Từ đó uy tín, vai trò, vị trí, nhiệm vụ của hoạt động CTĐ được nâng lên.
Từ khi có Luật Hoạt động CTĐ, công tác hoạt động CTĐ đã có sự phát triển từng bước vững chắc và đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên trong thực tế hoạt động cũng còn rất nhiều vấn đề cần phải sửa luật, cần phải sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp các ngành đối với hoạt động CTĐ.
Theo quy định của Luật Hoạt động CTĐ thì công tác từ thiện đối với việc hỗ trợ thiên tai, bão lụt do Hội CTĐ điều hành hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân. Nhưng vừa qua sự việc các ca sĩ, nghệ sĩ, cá nhân dùng uy tín của mình để làm từ thiện đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên khi được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những “sự việc lùm xùm” trong công tác từ thiện đã tạo ra dư luận xã hội không tốt đến công tác từ thiện. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Sự việc trên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo hoạt động CTĐ.
Mặc dù đã có Luật Hoạt động CTĐ nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật chưa được thường xuyên; có một số nơi cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật; nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Luật chưa sâu, chất lượng chưa cao. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật ở nhiều nơi chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc, còn hình thức; chưa phổ biến sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cho nên có không ít các tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân không biết, không hiểu Luật để thực hiện.
Việc ban hành các văn bản của Chính Phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ và cấp uỷ chính quyền địa phương về hướng dẫn thi hành, triển khai thực hiện, kế hoạch hoạt động… còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đưa Luật Hoạt động CTĐ vào cuộc sống. Ngay cả Chính Phủ từ khi có Luật Hoạt động CTĐ đến khi có nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật hoạt động CTĐ cũng phải mất 02 năm 05 tháng; nhiều Bộ hiện nay vẫn chưa ban hành văn bản liên quan đến Bộ, ngành của mình dẫn đến còn nhiều hạn chế trong việc thi hành luật.
Nhiều địa phương còn coi nhẹ công tác hoạt động CTĐ, chưa chú trọng việc chỉ đạo của cấp uỷ đảng, đầu tư của các cấp chính quyền cho công tác CTĐ dẫn đến tình trạng có những địa phương công tác CTĐ phát triển rất mạnh, có những địa phương hoạt động yếu kém không đáp ứng được yêu cầu.
Để công tác hoạt động CTĐ được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, Nhà nước cần có những quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai hoạt động CTĐ trong các lĩnh vực, quy mô hoạt động cụ, đồng thời, các Bộ, ban ngành cần có quy định chi tiết về công tác hoạt động CTĐ trong lĩnh vực mà mình quản lý thể để tránh trùng lặp, chồng chéo trong việc thi hành luật.
Để tránh việc hoạt động CTĐ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để thực hiện các công việc với mục đích trái quy định pháp luật, Chính Phủ cần bổ sung quy định về chế tài xử lý (xử phạt) đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền các cấp cần thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Hội CTĐ các cấp, nhất là hội CTĐ cơ sở; bố trí, điều động các cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, tâm huyết về công tác tại Hội CTĐ và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ hội; chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo.
Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật hoạt động CTĐ; nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận động, quyên góp các nguồn lực và việc cứu trợ, trợ giúp cho các đối tượng thụ hưởng và có chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm sai, vi phạm pháp luật.
Hiện nay cần phải có sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động CTĐ. Đã đến lúc Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới thay thế, bổ sung nhằm tạo động lực mới cho hoạt động CTĐ.
Bài viết đóng góp ý kiến của Ông Trần Đức Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/10-nam-thuc-hien-luat-hoat-dong-chu-thap-do-duoi-goc-nhin-cua-nhung-nguoi-lam-luat-a19170.html