30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận: Nhiều khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Thuận là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 100.000 người, cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép.

Trong 30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương cũng như sự tự giác, tự lực của bà con, nhiều vùng đồng bào dân tộc ở Bình Thuận đã có bước chuyển mình về mọi mặt.

Diện mạo vùng nông thôn khởi sắc

Chú thích ảnh Tuyến đường chính kết nối trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Phan Hiệp là một trong ba xã thuần đồng bào dân tộc Chăm của huyện Bắc Bình với hơn 1.000 hộ dân. Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2017, xã Phan Hiệp hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới của Thủ tướng Chính phủ. Đời sống nhân dân nơi đây được cải thiện đáng kể, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, kiên cố.

Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. 70% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động…

Không chỉ ở Phan Hiệp, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng ghi dấu sự đổi thay vượt bậc về cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ đi lại, sản xuất và đời sống văn hóa tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hạ tầng cơ sở các huyện miền núi phát triển kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp. Tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, 17 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 4/17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các trạm y tế xã đều có bác sĩ điều trị, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,3%.

Chú thích ảnh Tuyến đường 706B (đường Võ Nguyên Giáp) phục vụ phát triển du lịch kết nối trung tâm thành phố Phan Thiết và Mũi Né. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Nhờ lồng ghép nhiều chương trình, chính sách, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư thêm một số kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các thôn, xã thuộc diện định canh, định cư, góp phần giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo tiền đề cho việc xây dựng và tăng cường khối đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Giảm nghèo bền vững

Trong 30 năm qua, Bình Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, giúp đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, ấm no và phát triển. Cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.

Nổi bật nhất phải kể đến là Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là chính sách lớn, tạo đột phá và đã giải quyết căn bản đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2018, hơn 14.200 hộ đã được cấp đất sản xuất, với 15.200 ha. Bên cạnh đó, các địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng mô hình cụ thể như: Hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái…cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào...

Cùng với chính sách cấp đất sản xuất, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được coi là “bà đỡ”, gỡ khó cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh), đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép. Các cửa hàng, đại lý này cung ứng kịp thời mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào, với 1.200 tấn, tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm.

Chính sách đầu tư ứng trước đã giúp đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất; đồng thời, thực hiện việc bao tiêu sản phẩm với giá phù hợp, hạn chế tình trạng đồng bào đi vay lãi nặng, bị tư thương ép giá, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km đang khẩn trương thi công, dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ông K’ Văn Vẳn, xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, được Nhà nước tạo điều kiện cho ứng trước giống, phân bón, gia đình thuận lợi trong mỗi mùa vụ, không còn lo lắng xoay vòng mỗi mùa vụ tới. Nhờ đó, sản xuất ổn định, cuộc sống khấm khá hơn trước.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, các chủ trương, chính sách dân tộc đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Qua 30 năm, hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm rõ rệt từ 24,63% (theo tiêu chí cũ) đến tháng 12/2021 còn 3,64% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), giảm gần 21%.

Với mục tiêu phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước, Bình Thuận triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Theo đó, Bình Thuận tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đầu tư thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tỉnh tập trung khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và các ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời, tỉnh tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu 100% Trạm Y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia; 100% trụ sở xã được xây dựng kiên cố; 99,5% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Hồng Hiếu

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/30-nam-tai-lap-tinh-binh-thuan-nhieu-khoi-sac-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a19132.html