Chỉ thị 18 đã được triển khai, thực hiện hơn 03 năm, ông có đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Ông Lâm Văn Đoan: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, trợ giúp kịp thời, thiết thực người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa, những người dễ bị tổn thương khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ vẫn còn có mặt hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của hệ thống Hội Chữ thập đỏ.
Có thể thấy, Chỉ thị 18 của Thủ tướng ban hành trong bối cảnh đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới.
Các nhiệm vụ đặt ra ở giai đoạn này tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, cộng đồng, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh các hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ như cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, từ thiện... Đây là một chủ trương rất kịp thời để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tình hình mới...
Chỉ thị 18 nêu rõ, để triển khai công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ một cách hiệu quả cần có sự phối hợp thực hiện của nhiều bộ, ngành như: Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội… cùng các tỉnh, thành phố từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên còn nhiều hạn chế. Theo ông Hội Chữ thập đỏ cần phải làm gì để có sự phối hợp hiệu quả?
Ông Lâm Văn Đoan: Hiện nay, hoạt động nhân đạo Chữ thập đỏ không thuần túy chỉ tập trung vào công việc cứu trợ khẩn cấp hay hoạt động từ thiện, nhân đạo như trao gạo hoặc mỳ tôm cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, mà còn chú trọng đến việc góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống của người dân một cách bền vững. Hoạt động của các cấp hội hướng đến việc trao cơ hội công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Ngoài Chỉ thị 18 đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Luật hoạt động Chữ thập đỏ (2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đều khẳng định vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong các hoạt động liên quan đến hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, công tác nhân đạo, xã hội, từ thiện; góp phần để các cấp Hội thực hiện tốt 7 hoạt động Chữ thập đỏ theo Luật định. Chính vì thế, các cấp Hội Chữ thập đỏ cần nâng cao nhận thức về các hoạt động của mình để nắm vững, chủ động tiếp cận, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong nước và các tổ chức nước ngoài… để cùng với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường một cách bền vững, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, khẳng định vai trò lãnh đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Là nhà lập pháp, theo ông cần có giải pháp hữu hiệu nào từ hành lang pháp lý cũng như quản lý để công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới phát huy được hết hiệu quả?
Ông Lâm Văn Đoan: Luật hoạt động Chữ thập đỏ được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực thi hành 01/01/2009, từ đó đến nay nhiều văn bản pháp luật khác cũng đã được ban hành về lĩnh vực này, đặc biệt là Chỉ thị 18, bên cạnh những mặt được, ưu điểm, tác động tích cực đến việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động của Hội nhiều năm qua, nhất là tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động của Hội trong 7 lĩnh vực trọng tâm đã được Luật định, tập trung vào các lĩnh vực công tác xã hội, nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, vận động hiến máu nhân đạo, tham gia phòng ngừa, ứng phỏ thảm họa. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp trong hoạt động của các cấp hội với cấp ủy, chính quyền có lúc, cơ nơi còn chưa thật sự hiệu quả; công tác phối hợp trong hoạt động nhân đạo với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cơ chế vận động và sử dụng nguồn lực phục vụ hoạt động nhân đạo còn hiện tượng chồng lấn. Các nguồn lực cho hoạt động của các cấp hội còn khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước bố trí hỗ trợ còn ít, nhất là các địa phương phụ thuộc nhiều vào cân đối ngân sách từ trung ương cấp như các vùng sâu, vùng xa, huyện, xã nghèo… đã ảnh hưởng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chữ thập đỏ. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Đảng ta cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về công tác hội như Kết luận 102-KL/TW (2014) của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 158-TB/KL (2020) của Ban Bí thư, Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc thể chế hóa thành chính sách, pháp luật trong tình hình mới. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu, rà soát Luật Hoạt động chữ thập đỏ (2008) với yêu cầu hoàn thành báo cáo vào năm 2023 để đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới.
Hà An
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chi-thi-18ct-ttg-2018-kim-chi-nam-danh-cho-nhung-nguoi-lam-cong-tac-chu-thap-do-a19128.html