Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức sự kiện ý nghĩa này, và là cơ hội để thành phố tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn, góp phần triển khai hiệu quả Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Đồng thời là cơ hội lớn để các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới; hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu Tăng trưởng xanh và "Giảm phát thải bằng 0 - Net Zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26".
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lê Quang Nam Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác BVMT thời gian tới.
Tuy nhiên, do sự phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn (CTR) nói chung và đặc biệt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều, tính chất và thành phần phức tạp, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Mặc dù, tỉ lệ thu gom vẫn tăng hằng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH tại nhiều địa phương còn thấp. Phần lớn tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên, Bộ TN&MT thông tin, thống kê năm 2021, tổng lượng CTRSH trên địa bàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên phát sinh khoảng 8.500 tấn/ngày. Năm 2021, tổng lượng CTRSH trên địa bàn Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày.
Rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Riêng khu vực miền Trung – Tây Nguyên mới chỉ có Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Quảng Nam từng thí điểm phân loại rác tại nguồn. Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% rác thải nông thôn chưa được thu gom và thải bỏ ra môi trường xung quanh.
Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến, 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp CTRSH, trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỉ lệ lớn (51%), không đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật, vệ sinh môi trường và chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải và nước rỉ rác.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần giải quyết các vướng mắc về cơ chế để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cho rằng, cần ưu tiên sử dụng các vật liệu từ tái chế, khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy. Để làm tốt việc này, Chính phủ phải có các cơ chế ưu đãi.
Ông Nguyễn Quốc Công, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH. Bên cạnh đó, phân loại tại nguồn như hộ gia đình hay tại cơ sở chủ nguồn thải. Chính quyền địa phương và đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom xác định vị trí phân loại tại khu vực. Đặt trạm trung chuyển, ở đó phải có cấu trúc xây dựng phù hợp giảm thiểu mùi hôi và đảm bảo khoảng cách vệ sinh...
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho rằng, mặc dù, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn thấp. Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chỗn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.
“Tôi cho rằng, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Đây cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Do đó, việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.”- ông Thịnh cho biết.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đề nghị Hội thảo tập trung cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được của công tác quản lý chất thải của Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra được những nguyên nhân và chia sẻ bài học kinh nghiệm để từ đó thống nhất đề xuất các giải pháp để đạt được những mục tiêu như: Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm hình thành cách thức quản lý, ứng xử mới với chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương; Hình thành và triển khai cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; Đề xuất được các mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường để quảng bá, giới thiệu, nhân rộng trong phạm vi cả nước.
Được biết, trong khuôn khổ triển lãm từ ngày 25-26/8, bên cạnh các phiên hội thảo, người dân có thể được trực tiếp tham quan và tìm hiểu nhiều mô hình, công nghệ xử lý rác thải hiện đại. Ngoài ra, Ban tổ chức bố trí chương trình đổi rác thải lấy quà tặng vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp. Chương trình thu hút đông đảo người dân Đà Nẵng tham gia.
MP
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/di-tim-giai-phap-trong-xu-ly-chat-thai-tai-cac-do-thi-viet-nam-a19120.html