Tại buổi gặp mặt báo chí bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thông tin một số những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2017 - 2022. Theo đó, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX) thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương. Các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh COVID-19; không ít mô hình mới, hiệu quả xuất hiện, có sự lan tỏa rộng khắp. Vận động chính sách được coi trọng; công tác chỉ đạo, điều hành có đổi mới; công tác truyền thông, vận động nguồn lực, hợp tác quốc tế trong hoạt động nhân đạo có bước phát triển; việc quản lý các nguồn thu của Hội được thực hiện đúng quy định. Kết quả các mặt hoạt động của Hội đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, lan tỏa các giá trị nhân đạo trong xã hội, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò của tổ chức Hội trong xã hội và trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.
Tại Đại hội có sự tham dự của 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Với chủ đề: “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước” Đại hội đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017-2022); quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, định hướng và những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy toàn diện công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ 2022-2027, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong khuôn khổ Đại hội sẽ có nhiều các hoạt động bên lề như: Ngày 27 và 28/8/2022 các hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022; Trong 2 ngày (29 và 30/8/2022) diễn ra Đại hội, các đại biểu sẽ tham dự Lễ báo công dâng Bác và vào lăng viếng Bác; Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gặp mặt 80 đại biểu tiêu biểu toàn quốc; Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu quốc tế; tổ chức Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”…
Đặc biệt, tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội XI, Đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát biểu chào mừng; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội; Tại Đại hội, 26 nội dung tham luận của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp đối tác được trình bày, thảo luận trong “Diễn đàn Hệ sinh thái nhân đạo” sẽ tập trung đánh giá các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đưa ra những định hướng trong thời gian tới.
“Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội XI hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế”, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
Chia sẻ trăn trở trong hoạt động nhân đạo nhiệm kỳ đã qua, bà Bùi Thị Hoà cho biết: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được Đảng Nhà nước giao nhiệm vụ là cầu nối, điều phối các hoạt động nhân đạo, nhưng trong thời gian qua, Hội có những lúc có những nơi còn chưa làm tốt, chưa đủ sự tin tưởng của nhân dân dẫn đến những hoạt động nhân đạo tự phát, không thông qua các tổ chức chính thống. Để giải quyết những trăn trở này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới lần đầu tiên, Hội Chữ thập đỏ sẽ tập trung vào 2 khâu đột phá, đó là: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo và Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.
Bên cạnh đó, 2 chương trình trọng điểm được Hội chú trọng, đó là: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành đã và đang triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và tỉnh Hòa Bình). Từ những mục tiêu, định hướng cũng như quyết tâm của các cán bộ, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ giúp nâng tầm Hội, thực sự thu hút được sự tham gia của các tầng lớp trong xã hội tạo nên một sức mạnh nhân đạo hướng tới những người nghèo, người khó khăn, người yếu thế trong xã hội.
Nho Quế