TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, kinh tế - xã hội trong 7 tháng qua của Thành phố đang phục hồi tốt với nhiều kết quả tích cực, tạo đà cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sau mùa dịch. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, các điểm nghẽn cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang khôi phục mạnh mẽ khi đón nhiều đoàn khách MICE lớn từ các nước.

Những con số khả quan

Ông Huỳnh Cân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện Nam Hòa (thành phố Thủ Đức) cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, hiện nay đơn hàng của công ty đã tăng gấp đôi. Nhiều đơn hàng không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh, mà còn cho các dự án xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước.

“Các dự án hoạt động trở lại nên dòng tiền thu về tương đối đều và lợi nhuận cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thời điểm của năm ngoái, chúng tôi phải gánh lỗ. Năm nay, với lợi nhuận của doanh nghiệp đang có, khả năng chúng tôi sẽ đạt 80% chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do doanh nghiệp vẫn còn gặp khó về việc giá nguyên liệu, vốn...”, ông Huỳnh Cân cho biết thêm.

Theo ông Huỳnh Cân, trong giai đoạn dịch bệnh, hoạt động doanh nghiệp gần như “đóng băng” khi các công trình xây dựng ngừng thi công. Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã hoạt động khởi sắc trở lại hơn khi các công trình được thi công trở lại.

Hiện nay, ngoài thị trường xây dựng khởi sắc, nhà cung cấp hoạt động ổn định, lực lượng lao động cũng bắt nhịp sản xuất và dần khôi phục. Những công nhân trước đó về quê, giờ phần lớn đã quay trở lại, nguồn nhân công được bảo đảm giúp công ty đáp ứng tiến độ cung ứng các đơn hàng cho khách. 

Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, qua 7 tháng năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ kinh tế đang trở lại và có một số ngành đã tăng tốc khá nhanh, cụ thể như ngành du lịch. Hiện lượng khách du lịch đã khôi phục mạnh mẽ và nhiều du khách quốc tế, nội địa quay trở lại Thành phố. 

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 tháng năm 2022, ngành du lịch đón khoảng 13,3 triệu lượt khách nội địa và khoảng hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở dĩ có được kết quả trên là do, bên cạnh việc ban hành chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi, phát triển du lịch, Thành phố cũng đã tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch; khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước để thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến với TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh Các doanh nghiệp dịch vụ, thương mại, bán lẻ áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. 

Ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sự hồi phục mạnh mẽ của ngành kinh tế còn được thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố trong tháng 7 vừa qua đạt khoảng 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng đến 139,8% so cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 7 tháng qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn liên tục hồi phục một cách ổn định, đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, sau hơn 7 tháng năm 2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… cũng đã dần đi vào ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 8% so cùng kỳ. Trong đó, bốn ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu tăng 12% so cùng kỳ. Điều này cho thấy, các chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố đã mang lại những hiệu quả lớn cho việc khôi phục nhanh các ngành kinh tế - xã hội.

Tiếp tục tháo gỡ kịp thời các "nút thắt"

Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, dù đã có những khôi phục hoạt động sản xuất trở lại khả quan hơn, song những tháng tới, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến việc tăng giá đầu vào, thiếu nguyên liệu và lãi suất ngân hàng tăng, thị trường xuất khẩu thu hẹp…

Theo thống kê tại ngành nhựa, cao su, trong 7 tháng qua, tình hình xuất khẩu khá tốt, nhiều doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng từ 10 - 15%, riêng các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tăng trưởng 29%. Tuy nhiên, theo dự báo những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Chẳng hạn như ảnh hưởng lạm phát tại Mỹ và châu Âu đã khiến sức mua chậm lại, các đơn hàng về lốp xe, các loại đồ chơi bằng nhựa, sản phẩm cao su kỹ thuật, nhựa gia dụng… xuất khẩu sang cũng giảm theo.

Chú thích ảnh Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cần nguồn vốn để khôi phục hoạt động sản xuất trở lại sau mùa dịch.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNNHH cao su Minh Đức, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, 7 tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cao su tăng 15%. Tuy nhiên, những đơn hàng này thời gian tới cũng khó khăn hơn do ảnh hưởng lạm phát, sức mua giảm; đồng thời giá nguyên liệu cao su tổng hợp nhập khẩu đã tăng 30% và chi phí logistics cũng tăng rất cao, điều này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khá nhiều nếu không tăng giá sản phẩm đầu ra.

“Đơn hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm và hàng tồn kho đang nhiều. Một số đơn hàng trước đây ký kết đã chậm ngày giao hàng và giảm đơn hàng. Thị trường Mỹ cũng bất định, chưa biết thế nào do lạm phát, sức mua, hàng tồn kho tại quốc gia này đang khó kiểm soát”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.

Ngoài các khó khăn trên, một số doanh nghiệp khác tại TP Hồ Chí Minh còn đang phải “gồng mình” vì lãi suất cho vay đã tăng trở lại. Theo đó, nếu doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất từ 7,5 - 8,5%/năm thì sẽ rất khó có lợi nhuận và cũng không dám vay vốn tiếp để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục sản xuất trở lại, nhưng với mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đang tăng sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Vừa qua, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, doanh nghiệp cũng đã kiến nghị Thành phố đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ mới ban hành; đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp và sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu của Thành phố…

“Mục đích của gói hỗ trợ 2% của Chính phủ là để cho doanh nghiệp phát triển, nhưng thời gian triển khai chậm làm cho sự phát triển của doanh nghiệp chậm theo. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không đẩy nhanh tiến độ thực thi thì sẽ không mang lại hiệu quả như ý nghĩa ban đầu của chính sách, kéo theo đó là các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách cũng bị giảm khả năng phục hồi”, ông Đỗ Phước Tống cho biết thêm.

Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp, vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho các sở, ngành, cơ quan chức năng rà soát các vướng mắc của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ kịp thời. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tín hiệu khả quan từ phục hồi kinh tế - xã hội 7 tháng qua cho thấy, chủ đề mà Thành phố xác định cho năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” là phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố. Tuy nhiên, muốn các chính sách đi vào cuộc sống, các quận, huyện cần rà soát lại các khó khăn, nút thắt mà doanh nghiệp gặp phải nhằm kịp thời tháo gỡ. Ví dụ như hiện nay, thủ tục hành chính tại các quận, huyện, Sở, ngành tương đối thông thoáng nhưng nó lại đang bị tắc ở các chuyên viên, tắc ở cấp phòng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi xin phép thành lập, thu hút đầu tư... Vì vậy, đề nghị các đơn vị, sở, ngành kiểm tra lại các quy trình này cho thông suốt trong thời gian tới".

"Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phục hồi, tạo đà tăng trưởng tốt cho nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên với nhiều khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, các doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức kịp thời từ chính quyền, địa phương để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững nếu muốn tăng tốc trở lại vào các tháng cuối năm. Trước mắt, để hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị, sở, ngành, người đứng đầu đơn vị, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát công việc; phối hợp, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc kịp thời. Về lâu dài, chúng ta vẫn cần phải có các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp mà Chính phủ, Thành phố đã ban hành từ trước đó, trong đó phải ưu tiên các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, thuế...", ông Phan Văn Mãi chỉ đạo.

Hoàng Tuyết

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-tiep-tuc-ho-tro-doanh-nghiep-nhanh-chong-phuc-hoi-hoat-dong-a19012.html