Tinh giản biên chế giáo viên: 'Ai vi phạm thì ra khỏi ngành'

(NĐ&ĐS) - Đại biểu, lãnh đạo một số địa phương bày tỏ lo lắng về việc biên chế, tinh giản biên chế giáo viên.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra sáng 2/8 tại Hà Nội, đại biểu, lãnh đạo một số địa phương bày tỏ lo lắng về việc biên chế, tinh giản biên chế giáo viên.

tinh gian bien che giao vien ai vi pham thi duoi ra khoi nganh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nhà trường, gia đình chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh. Ảnh: TL

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định:“Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến năm 2021 là giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên".

“Đổi mới nhất định phải kiên định theo xu thế thế giới, không thể vì trong quá trình  đổi mới có điều này điều kia mà xa rời xu thế của thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Có bằng đại học, giáo viên chỉ hưởng lương trung cấp?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tựu ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Trong đó có việc hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, THCS và đang phấn đấu tiến tới phổ cập THPT. Đó là nỗ lực của toàn ngành giáo dục và cả xã hội.

Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học cũng tiếp tục được tập trung, đẩy mạnh.

Tuy nhiên, ngành giáo dục năm vừa qua vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế cần phải khắc phục ngay trong thời gian tới.

“Đó là tình trạng tồn tại không ít tiêu chuẩn đã không còn phù hợp với thực tế. Việc có bằng đại học, nhưng giáo viên chỉ hưởng lương trung cấp. Có điều này là vì chuẩn giáo viên mầm non là trung cấp, nhưng bây giờ chúng ta không đào tạo trung cấp nữa. Vậy mà không chịu sửa, trong khi việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải thực hiện khắc phục dứt điểm những việc trên. Bãi bỏ hết quy định hình thức, không phát huy tính sáng tạo, các loại tiêu chuẩn không còn phù hợp.

Đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhấn mạnh: “Năm học này, ngành giáo dục phát động phong trào thi đua trong các thầy cô giáo. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành".

Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo.

Với thầy cô, phải thực sự gương mẫu, không còn chuyện xin điểm - cho điểm, hơn 1 triệu giáo viên đa phần là gương mẫu nhưng vẫn còn bộ phận vi phạm đạo đức nhà giáo.

Giáo dục dù còn nhiều hạn chế nhưng những kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Đó là công sức của toàn ngành, của hơn 1 triệu giáo viên. Cần tiếp tục kiên định giữ tinh thần đổi mới để chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Giảm biên chế nhưng giáo viên phải đủ

Tại hội nghị tổng kết, nhiều địa phương bày tỏ lo lắng trước việc phải tinh giản biên chế giáo viên. Điều này khiến nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm.

Trước những vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy… Giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa-thiếu hay tinh giản.

Chỉ đạo tới Bộ GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền các địa phương… đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương các thầy cô giáo. “Từ năm học này, Bộ GD&ĐT cần phát động cuộc thi để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, nếu ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Tại hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi đến các đại biểu: “Tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, đổi mới, các đồng chí tiếp tục “giữ lửa”, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến các đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thực sự, có như vậy đất nước mới phát triển”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết ngành giáo dục hết sức thẳng thắn, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp để tới đây hoàn thiện những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót.

Tình Thương

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tinh-gian-bien-che-giao-vien-ai-vi-pham-thi-ra-khoi-nganh-a1896.html