Hội Hồng Thập Tự Việt Nam ra đời và những hoạt động ban đầu của Hội

Cách mạng tháng Tám (năm 1945) thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời. Ngay sau khi giành được độc lập, đất mước đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, chống thù trong, giặc ngoài. Cũng chính trong bối cảnh nước sôi, lửa bỏng ấy, Hội Hồng thập tự Việt Nam được thành lập, trở thành tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

 Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam

Giữa năm 1945, trước nguy cơ chiến tranh cận kề sau khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, một số bác sĩ và nữ y tá đã mở các lớp huấn luyện cứu thương cấp tốc 3 tháng, 6 tháng ở Hà Nội, Sài Gòn, được thanh niên (chủ yếu là nữ) hưởng ứng, tham gia đông đảo.

Đến cuối năm 1945, tại Hà Nội, lớp nữ cứu thương 172 học viên do các bác sĩ Đỗ xuân Hợp, Vũ Đình Tụng cùng bác sỹ Hoàng Đình Cầu, dược sỹ Hoàng Xuân Hà và một số đồng nghiệp huấn luyện, hoàn thành khóa học và tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp tại giảng đường trường Đại học Y Hà Nội, có mời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Tuyên truyền Trần Huy Liệu đến dự. Nhân dịp này, nhiều người đã đề xuất việc thành lập Hội Hồng thập tự để cho danh chính ngôn thuận, được dùng biểu tượng Chữ thập đỏ trong hoạt động chăm sóc thương binh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng như vậy là vi phạm pháp luật, Pháp có thể kiện ta. Bà Nguyễn Thị Thịnh, vợ bác sỹ Đỗ Xuân Hợp, là trưởng lớp cùng bà Trần Thị Thanh, một học viên được cử lên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin ý kiến. Bà Nguyễn Thị Thịnh sau này kể lại:

…Lúc này (sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 - BBT), lớp cứu thương Hồng thập tự đầu tiên của nước ta, do sáng kiến cá nhân của cố GS. BS. Đỗ Xuân Hợp, người chồng yêu quý của tôi, đã mở được 6 tháng. Lớp gồm có 172 chị em. Lớp do BS. Hợp giảng dạy với sự cộng tác đầy nhiệt tình không ăn lương của BS. Nghĩa Thuyết, BS. Hoàng Đình Cầu, BS. An, DS. Hoàng Xuân Hà và một số anh em sinh viên y khoa sắp tốt nghiệp. Lớp còn được sự giúp đỡ về tài chính và phương tiện thuốc men của nhiều nhà hảo tâm khác, trong đó có bà Nguyễn Thị Bính, tức bà Hoàng Xuân Hãn, lúc đó là Dược sĩ cao cấp, có cửa hàng bàn thuốc tây ở phố Tràng Thi.

Các chị em vừa học tập, vừa làm mọi việc xã hội cấp bách lúc đó: cứu đói, cứu rét, tổ chức các đội lưu động chống dịch, tiêm thuốc trừ tả lỵ, thương hàn, đặc biệt là bệnh sốt hội quy do chấy rận của quân Tưởng đưa vào. Chị em còn thay phiên nhau xuống Hội Tế sinh ở phố Sinh Từ giúp trông nom trẻ em mồ côi, Hội Tế bần nuôi dưỡng các cụ già tàn tật, cô đơn, các khoa chữa bệnh làm phúc cho người nghèo của các bệnh viện ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, chị em kéo nhau lên Ba Đình tổ chức các trạm cấp cứu lưu động, vừa tiếp tế nước uống cho đồng bào, vừa chữa các trường hợp bị cảm nắng cần cấp cứu tại chỗ.

Chính trong thời kỳ này, một số nhà trí thức yêu nước mà tiêu biểu là cố GS. BS. Đỗ Xuân Hợp có ý định thành lập tổ chức Hồng thập tự của Việt Nam. Làm Hội trưởng Hội cứu đói lúc bấy giờ, GS. Hợp có điều kiện được gặp Bác Hồ thường ngày, nên đã bàn với nhau xin ý kiến của Bác. Bác hẹn sẽ tiếp chúng tôi vào sáng ngày 06/1/1946, sau khi bầu cử Quốc hội về. Bác hỏi chúng tôi về lớp cứu thương Hồng thập tự đang mở, về ý định lập Hội, tôn chỉ, mục đích và dự kiến chương trình hoạt động. Thấy tôi lúng túng trước một vài ý kiến còn khác nhau lúc đó về việc thành lập Hội, Bác ôn tồn giảng giải cho nghe về Phong trào Hồng thập tự quốc tế, về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước khác và chỉ dẫn cho cả phương hướng hoạt động của Hội Hồng thập tự Việt Nam. Sự uyên thâm trong lĩnh vực Hồng thập tự này của Bác thật sự làm chúng tôi kinh ngạc, vì thực ra chúng tôi đã hiểu gì về Hồng thập tự đâu.

Bác khuyên: Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân, làm giảm nhẹ đau thương cho nhân dân. Không được có thái độ hách dịch ban ơn. Cần làm việc cho tốt, luôn chí công vô tư thì ít mắc sai lầm. Không nên thiên về hình thức, việc gì có lợi cho nhân dân thì làm.

Tối hôm ấy, tại nhà riêng tôi ở 68 Trần Xuân Soạn, Ban Hồng thập tự Việt Nam, nói cho đúng hơn là Ban vận động Hồng thập tự Việt Nam được thành lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban danh dự. Mọi người bầu tôi làm Trưởng ban. Chúng tôi cũng chọn anh Vưu Hữu Chánh, sinh viên Y khoa sắp ra trường làm Thư ký và chị Nguyễn Thị Phong, nữ sinh Hồng thập tự khoá I, lớn tuổi, đã có gia đình, làm Thủ quỹ.

10 giờ đêm, có tiếng chuông gọi cửa. Bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn không quên bảo đưa trả lại chúng tôi cuốn sổ vàng đã được đóng dấu son đỏ chói của Bác. Ngày hôm sau, 07/01/1946, trong buổi lễ phát giấy chứng chỉ của lớp cứu thương Hồng thập tự đầu tiên, với sự có mặt của đông đảo các vị đại biểu trung ương và Hà Nội, Bác Hồ còn gửi thư xuống mừng và dặn dò khuyên bảo chúng tôi - một vinh dự lớn ngoài lòng mong mỏi của chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hiểu rất rõ về các Phong trào Nhân đạo và Cứu trợ quốc tế, có lẽ vì vậy Bác đã sớm ủng hộ việc thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và vui lòng nhận làm Chủ tịch Danh dự. Thật là một niềm vinh dự lớn cho Hội và các hội viên Chữ thập đỏ.

Các hoạt động nhân đạo ban đầu

Ở Nam bộ, ngay từ những ngày đầu mở màn chiến sự, các Tổ Hồng thập tự đã cùng nhân viên y tế các bệnh viện địa phương tham gia cứu chữa, bảo vệ thương binh. Nhiều lớp cứu thương cấp tốc được mở ra, đào tạo người tình nguyện, nhiều khi chỉ trong vòng vài ba ngày, chủ yếu là các kỹ thuật sơ cấp cứu, chăm sóc vận chuyển thương binh.

unnamed-1660639020.jpg
Sinh hoạt của đội thanh niên xung kích chữ thập đỏ.

Ở khu vực Sài gòn - Chợ lớn, nhiều Trạm cấp cứu treo cờ Hồng thập tự đã được mở để phục vụ các mặt trận Thị Nghè-Cầu Bông, Phú Lâm, Bà Quẹo… Tại Phú Lâm, đã xảy ra một trận đụng độ lớn giữa dân quân ta với quân Nhật. Sau cuộc giao tranh, bác sĩ Nguyễn Văn Hoa, phụ trách Trạm, đã trương cờ Hồng thập tự đến gặp chỉ huy Nhật, yêu cầu được thu thập vận chuyển thương binh, chôn cất tử sĩ và đã được phía Nhật đồng ý. Thương binh được đưa về Trạm cấp cứu, 10 tử sĩ được chôn cất ở Gò Bà Chủ, Phú Lâm. Ở Sa Đéc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập từ tháng 10/1945, tổ chức Trạm cấp cứu đóng tại Nàng Hai, sau dời về Tân Dương, phục vụ thương binh từ Sa Đéc và Hoà Long chuyển đến.

Tại Khánh Hoà, đoàn nữ thanh niên Trưng Trắc - Trưng Nhị đã thành lập Đội nữ Hồng thập tự gồm 30 chị, phục vụ tại các bệnh viện hoặc theo bộ đội ra chiến trường, hầu hết sau đó đã hy sinh tại mặt trận Nha Trang. Khi chiến sự mở rộng, năm 1946-1947, tổ chức Hồng thập tự các tỉnh Trung, Nam bộ đều dần được đưa vào biên chế quân y các đơn vị bộ đội chủ lực hoặc địa phương. Mặc dù đến tháng 12/1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Hội Hồng thập tự giải phóng được thành lập và hoạt động trở lại, nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt, cờ và danh nghĩa Chữ thập đỏ vẫn được tiếp tục sử dụng. Tháng 02/1948, trong trận La Ngà, Chi đội 10 Biên Hoà do Chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy, đã bắt được đại uý Pháp Gô-phờ-rây. Để thể hiện thiện chí nhân dạo, quân y trưởng Chi đội Võ Cương đã lấy danh nghĩa Hồng thập tự Việt Nam, được uỷ nhiệm trao trả viên sĩ quan này cho quân đội Pháp. Thời gian sau đó ta lại bắt được đại uý Ri-vie ở Trà Vinh và trung uý Pac-măng-chiê ở Chúp, trên đất Campuchia. Biết họ đều là sĩ quan quân y, ta đã  phóng thích. Đổi lại, cũng với danh nghĩa đại diện Hồng thập tự Việt Nam, Quân y vụ trưởng Quân khu 8, bác sỹ Trần Nam Trung, đã yêu cầu phía Pháp phải trao trả ta 2 bác sĩ bị quân đội Pháp bắt giữ. Ngày 31/12/1950, tại bót Cái Tâm, Cai Lậy, quân y Pháp đã trao lại cho ta bác sĩ Nguyễn Văn Hoa và bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Các bác sĩ này, về sau, đều là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Hồng thập tự Cộng hoà miền Nam Việt Nam.Ở miền Bắc, do chưa xảy ra chiến sự, hoạt động của Ban Hồng thập tự tập trung chủ yếu các nội dung vận động xã hội và huấn luyện, mở các lớp đào tạo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các hội viên đã tích cực tham gia các phong trào tăng gia sản xuất, phòng chống lũ lụt, cứu đói… Nhiều hội viên nhận chăm sóc người già, trẻ mồ côi trong các trại tế sinh, tế bần của chế độ cũ để lại. Nhiều hội viên tham gia các đợt vận động tuyên truyền nếp sống mới, vệ sinh, phòng bệnh, chống dịch… Ban cũng đã tổ chức dạ hội từ thiện, chợ phiên từ thiện, triển lãm đồ chơi trẻ em và bán đấu giá quần áo quyên góp được.Bác sỹ Đỗ Xuân Hợp đã được đích thân Bác Hồ giao cho nhiệm vụ cứu đói. Trong hồi ký của mình, bác sĩ Hợp đã kể lại: Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước sông Hồng lên cao, đe doạ vỡ đê, cùng với nạn đói, dịch chấy rận đang lan rộng… Giữa lúc đó, vào một buổi sáng, tôi được tin báo đến gặp Bác Hồ. Đến Bắc Bộ Phủ, khi vừa trông thấy tôi, Bác đã ân cần nói chuyện. Bác nhìn một lượt các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, rồi với một giọng nghẹn ngào xúc động, Bác nói với tôi: “Hàng triệu người mình đã chết đói, hàng vạn người khác đang bị đói. Bác giao cho chú nhiệm vụ cứu đói, chú về bắt tay ngay đi”. Bác còn dặn cách làm và lúc tôi chào ra về, Bác còn dặn thêm: “Công việc này quan trọng lắm đấy. Các chú khác phải giúp thêm chú Hợp. Có khó khăn gì, chú Hợp cứ lên gặp Bác, lên lúc nào cũng được, nghe rõ chưa?”

Ngoài các hoạt động xã hội, Ban cũng đã mở các lớp Hồng thập tự khoá 2, khoá 3, đào tạo các y tá, cứu thương, có lớp hàng trăm người tham dự, thời kỳ đó học viên hầu hết là nữ. Nhiều hội viên được huấn luyện sau đó đã xung phong theo các đoàn quân Nam tiến, có mặt phục vụ ở nhiều chiến trường Trung bộ, Nam bộ,  không ít người đã anh dũng hy sinh. Ở miền Bắc, nhiều hội viên sau đó đã tham gia tích cực trong cuộc chiến đấu anh hùng giữa lòng Hà Nội, bảo vệ Thủ đô những ngày đầu của cuộc Kháng chiến toàn quốc. Nhiều người đã gia nhập Vệ quốc đoàn, thành những lực lượng cốt cán của ngành Quân y. Có những người sau này được tiếp tục đào tạo, tốt nghiệp bác sĩ, tiến sĩ, công tác trong hoặc ngoài quân đội.

Cho đến cuối năm 1946, tại 3 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã thành lập tổ chức Hồng thập tự, có Ban Trị sự và có kế hoạch hoạt động cụ thể. Sau đó, hoạt động của Ban Hồng thập tự đã được mở rộng đến nhiểu tỉnh như Phủ Lý, Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên…

Đại hội Đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ Nhất

Cuối năm 1946, nguy cơ chiến tranh đã cận kề, để hợp thức và củng cố sự lãnh đạo của Hội, thống nhất tổ chức, Đại hội đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội, xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động; bầu Ban Trị sự gồm 12 người do Bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Hội trưởng, BS. Trần Hữu Tước và Bà Nguyễn Thị Thịnh được cử làm Phó hội trưởng, BS. Tôn Thất Tùng được cử làm Tổng thư ký, BS. Trịnh Văn Tuất, BS. Vưu Hữu Chánh được cử làm Phó tổng thư ký, BS. Trịnh Đình Cung được phân công làm thủ quỹ. BS. Trần Duy Hưng, BS. Nguyễn Viêm Hải, BS. Đinh Văn Thắng, BS. Hoàng Thuỵ Ba, BS. Dương Cẩm Chương được mời làm cố vấn. Đại hội đã thống nhất suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịnh danh dự của Hội.

unnamed-1-1660639238.jpg
Hội viên hội Chữ thập đỏ Việt Nam chăm sóc sức khỏe nhân dân biên giới Tây Nam.

Điều lệ được thông qua tại Đại hội gồm 7 Chương, 18 Điều (xem phụ lục), trong đó xác định về mặt tổ chức, Hội có 5 cấp: Ban Trị sự trung ương, Ban Trị sự kỳ, Ban Trị sự tỉnh, chi Hội và phân Hội. Ngày 31/5/1947, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tôn Đức Thắng đã ký Nghị định số 77NV cho phép Hội Hồng thập tự Việt Nam được thành lập và hoạt động (xem phụ lục).  

Đại hội đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đánh dấu sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam, tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Sự ra đời của tổ chức Hội khẳng định sự phát triển ngày càng lớn mạnh của phong trào Chữ thập đỏ trong cả nước, góp phần trợ giúp những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, cứu chữa thương binh, tham gia các hoạt động kháng chiến, kiến quốc, đoàn kết, tập hợp, giáo dục nhân dân và bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

                                                          (Trích nội dung trong cuốn sách Lịch sử Hội Chữ thập đỏ Việt Nam).


 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoi-hong-thap-tu-viet-nam-ra-doi-va-nhung-hoat-dong-ban-dau-cua-hoi-a18895.html