Bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình
Sáng 16.8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình và cũng có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.
Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau. Do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật.
Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình.
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không, chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng. Hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm, thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và đồng thời những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho giữ quy định khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.
Làm rõ hành vi bạo lực gia đình, đảm bảo quyền công dân
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động giữa Uỷ ban Xã hội và Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện trình tài kỳ họp thứ 4.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiếp thu đầy đủ khi tiến hành luật phải rà soát đạt mục tiêu bám sát mục tiêu ban đầu khi tiến hành sửa luật, luật ban hành phải khả thi, đảm bảo sự tương thích thống nhất giữa các chương điều trong hệ thống pháp luật.
Về biện pháp bổ sung cấm tiếp xúc theo quyết định của UBND cấp xã, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lấy ý kiến ĐBQH tại hội nghị ĐBQH chuyên trách, cũng như đánh giá tác động tính tương thích với các điều luật khác đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cùng cơ quan soạn thảo cần phối hợp để làm rõ hành vi bạo lực gia đình, đảm bảo quyền công dân nhưng tránh bỏ sót hành vi. Uỷ ban xã hội cùng với cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý dự thảo luật để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Phạm Đông
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-sung-hanh-vi-gian-tiep-gay-ra-bao-luc-gia-dinh-vao-du-an-luat-a18893.html