Ngày 15/8, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù (Hoài Đức).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/chiếc. Trị giá hàng hóa là 27 triệu đồng. Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Công Dũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu, đồng thời, khai nhận, gần Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về phục vụ nhu cầu của người dân.
Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất tiếp tục xác minh làm rõ.
Trước đó, đầu tháng 7, Đội QLTT 24 Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và tạm giữ 5.100 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng này thuộc về hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù (Hoài Đức). Bà Nhàn thú nhận mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và đều không có hóa đơn chứng từ. Lãnh đạo Đội QLTT số 24 cho biết thị trường bánh Trung thu thường có xu hướng tiêu thụ mạnh vào thời điểm cận dịp lễ truyền thống. Vì vậy, tình trạng một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời vẫn xảy ra.
Thực tế cho thấy, thị trường bánh Trung thu hiện bắt đầu sôi động với những sản phẩm khác. Theo đó, loại bánh kích thước mini được cho là nhập từ Trung Quốc có giá rẻ bất ngờ (4.000 đồng/cái) đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo các tiểu thương trên các chợ mạng xã hội, đây là sản phẩm nhập từ nội địa Trung Quốc rất được ưa chuộng hiện nay bởi lớp vỏ mỏng thơm ngon, nhân dày, kín và đặc biệt không bị ngọt khé như bánh Trung thu sản xuất tại Việt Nam. Kể từ ngày sản xuất, loại bánh này có hạn sử dụng lên tới 6 tháng. Đặc điểm chung của những chiếc bánh này là đều có màu sắc sặc sỡ, đa dạng kiểu dáng và bao bì in chữ Trung Quốc.
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ thường có màu sắc sặc sỡ vì được sử dụng rất nhiều loại màu khác nhau, mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp với loại bánh này là rất lớn. Nếu ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không bảo đảm, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính như bị đau bụng, buồn nôn.
Năm 2021, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua các mặt hàng bánh trung thu được rao bán trên các trang mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử.
Theo đó, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khuyến cáo người dân nên chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
L.Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thu-giu-gan-11000-banh-trung-thu-troi-noi-gia-re-a18872.html