Lúc đó, không khí ảm đạm không chỉ giới hạn trong các tuyên bố của chính quyền và tin tức trên truyền hình. Mọi người dường nhìn nhau bằng con mắt e dè và bó mình trong nỗi nghi ngại bủa vây.
Trong phần lớn thời gian của năm 2020, các nỗ lực trong lĩnh vực y tế cộng đồng tại Canada đã tập trung vào việc giữ cho tỷ lệ lây nhiễm không tăng vọt, với các biện pháp như giãn cách xã hội và yêu cầu người dân ở nhà. Sang năm 2021, nhà chức trách đã dốc toàn lực để triển khai một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Canada, với niềm tin rằng tiêm chủng, theo lời của Bộ trưởng Y tế tỉnh Ontario lúc bấy giờ - bà Christine Elliott, là “tấm vé thoát khỏi đại dịch”.
Ở thời điểm hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết hết về virus SARS-CoV-2 và hướng đi của nó, các nhà nghiên cứu tiếp tục nhấn mạnh rằng vaccine cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Nhưng để vượt qua đại dịch COVID-19, các chuyên gia y tế cho rằng có thể sẽ cần đến một loạt biện pháp khác, bao gồm việc tiếp tục phát triển các loại vaccine hiệu quả hơn, tăng mức độ bao phủ vaccine, chống lại những thông tin sai lệch và chú ý đến chất lượng không khí ở không gian trong nhà.
Ông Raywat Deonandan, nhà dịch tễ học và là Phó Giáo sư tại Đại học Ottawa, khẳng định rằng vaccine đã hoạt động hiệu quả một cách đáng kinh ngạc trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và tử vong tại Canada. Theo ông, các mũi tiêm tăng cường đã giúp nâng cao khả năng bảo vệ của vaccine. Ông nhấn mạnh ngay cả khi không có các vaccine mới, rất có khả năng các mũi nhắc lại của các vaccine hiện có sẽ tiếp tục giúp ngăn ngừa những kết quả xấu nhất.
Mặc dù chỉ có khoảng 18% người Canada không tiêm vaccine, nhưng những người không tiêm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các ca nhập viện và tử vong. Trong thời gian từ ngày 14/12/2020 đến ngày 3/7/2022, gần 52% trường hợp nhập viện do mắc COVID-19 là ở những bệnh nhân không được tiêm phòng, so với 20,5% ở những người đã tiêm 2 liều, 18% ở những người đã tiêm 3 liều và chưa đến 1% là những người đã tiêm 4 liều trở lên. Khoảng 52% trường hợp tử vong do COVID-19 thuộc nhóm không được tiêm chủng, so với mức 18% ở những người tiêm 2 liều.
Chiến lược ứng phó hiệu quả với đại dịch không thể thiếu nỗ lực chống lại thông tin sai lệch. Ông Andrew Morris, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm thuộc Mạng lưới y tế đại học, khuyến nghị rằng nỗ lực này nên bắt đầu với trẻ em trong trường học. Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách khoa học Canada Mehrdad Hariri nêu rõ: "Vì đây là loại vaccine mới dành cho trẻ em nên mọi người có ý dè dặt. Chúng ta phải chấp nhận điều đó”. Đó là lý do tại sao các chuyên gia cho rằng điều quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng là phải đưa ra các thông điệp minh bạch, trả lời thấu đáo các câu hỏi về độ an toàn của vaccine. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em đặt ra một số thách thức riêng và việc trả lời các câu hỏi của phụ huynh về tính an toàn của vaccine sẽ là chìa khóa để thành công.
Mặc dù nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19 ở trẻ em khá hiếm, nhưng vẫn phải rất thận trọng trong quy trình khám sàng lọc cho trẻ em. Ngoài ra, sự lây lan không kiểm soát của virus có thể dẫn đến gián đoạn việc học trực tiếp ở trường và các hoạt động khác của trẻ. Ông Ran Goldman, Giáo sư nhi khoa tại Đại học British Columbia, gợi ý các địa phương nên sáng tạo về địa điểm đặt các phòng tiêm vaccine để tạo thuận tiện cho các gia đình, chẳng hạn như các mũi tiêm có thể được thực hiện ở trường học hoặc trẻ em có thể được tiêm chủng ngay trong xe ô tô của gia đình.
Trong làn sóng lây nhiễm thứ bảy hiện nay, nhà dịch tễ học Deonandan cho biết điều quan trọng là phải có hệ thống giám sát tình hình dịch bệnh, thường xuyên xét nghiệm các nhóm dân số ngẫu nhiên để biết ai đang bị mắc bệnh, tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng và thời gian họ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Ông cũng kêu gọi áp dụng phổ biến hơn chế độ nghỉ ốm được trả lương, để giảm nguy cơ lây nhiễm trong môi trường làm việc. Và cũng cần phải có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình điều trị COVID-19, ngoài các loại thuốc kháng virus như Paxlovid.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada đánh giá Canada xử lý hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 và vượt qua những diễn biến sau đó tốt hơn một số quốc gia khác có cơ sở hạ tầng kinh tế và chăm sóc sức khỏe tương đồng như Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Canada đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong nhóm nước trên và có số người mắc bệnh thấp nhất nhóm. Tỷ lệ tử vong liên quan COVID-19 của Canada là 919 ca/1 triệu dân, mức thấp thứ hai sau Nhật Bản. Tính đến tháng 6/2022, hơn 80% người Canada đủ điều kiện đã được tiêm hai liều vaccine phòng COVID-19, trong khi tỷ lệ dân số được tiêm phòng ở các nước khác (trong nhóm các nước tương đồng) là từ 64-77%.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học McGill, Giorgia Sulis, cảnh báo rằng nếu Canada vẫn tiếp tục hành trình hiện tại, với ít các yêu cầu về các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và không nhiều người sẵn sàng nhận liều vaccine tăng cường, thì dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan với tốc độ có thể làm gián đoạn hoạt động của các bệnh viện. Hiện Canada lại đang tụt hậu so với các nước phát triển khác về tỷ lệ bao phủ mũi tiêm tăng cường, khi chỉ 60% người lớn được tiêm 2 liều đầu tiên đã quay trở lại tiêm mũi thứ ba.
Bà Sulis cũng lưu ý rằng đại dịch này sẽ không kết thúc cho đến khi mọi quốc gia trên thế giới có thể tiêm vaccine cho người dân của mình. Trong khi các quốc gia có thu nhập cao như Canada hiện đang cung cấp liều tiêm thứ tư, thì nhiều quốc gia thu nhập thấp vẫn đang phải vật lộn để cung cấp những liều đầu tiên cho những công dân dễ bị tổn thương nhất.
Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Canada)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tam-ve-thoat-khoi-dai-dich-a18866.html