Cần Thơ chủ động ứng phó triều cường

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn TP Cần Thơ vừa có Công văn yêu cầu các đơn vị, các địa phương chủ động, tăng cường chỉ đạo công tác chống ngập lụt trong các đợt triều cường từ nay đến tháng 10 âm lịch.

z2870530742546-eec7dd3c44b42b59705cfff7928fe65e-1660310527.gif
Đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thuỷ ngập sâu trong nước do triều cường sáng 23/10/2021

Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường những ngày rằm Tháng 7 Âm lịch và các tháng tiếp theo, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn thành phố Cần Thơ đề nghị các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường, Từ đó, kịp thời thông tin đến người dân vùng trũng, thấp, ven sông và các công trình trên sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; cảnh báo, di dời người dân tại khu vực bờ sông, kênh rạch có nguy cơ xảy ra sạt lở…chủ động các biện pháp phòng tránh, di dời.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn TP Cần Thơ đề nghị  Công an thành phố Cần Thơ tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát các tuyến đường bị ngập nước trên toàn thành phố, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng giao thông khi cần thiết.

“Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời. Đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp” - Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ yêu cầu.

Đối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều ban đề nghị tổ chức kiểm tra các tuyến đường, các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm. Rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Riêng các địa phương còn lại, Ban yêu cầu kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao. Cạnh đó, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở...

Dự báo triều cường trên sông Hậu và các kênh, rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục lên cao, đạt mức cao nhất vào những ngày rằm Tháng 7 Âm lịch, với mức từ báo động I và báo động II. Mực nước cao nhất sẽ đạt từ 1,83m đến 1,88m vào ngày 15/8/2022.

Năm 2022, triều cường cao nhất ở thành phố Cần Thơ dự báo khả năng ở mức từ 2,1 - 2,2m (cao hơn báo động III từ 0,1 - 0,2m); đỉnh triều cao nhất năm có thể xuất hiện vào tháng 10 và tháng 11/2022, cần đề phòng ngập lụt đô thị, ảnh hưởng sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Tại thành phố Cần Thơ, từ năm 2004 đến 2021 đã ghi nhận 12 năm có mực nước cao nhất trên sông Hậu vượt mức 2m (vượt báo động III); 6 năm dưới 2m và 1 đợt ngập lụt lịch sử với mức cao độ mực nước lên đến 2,25m (trên mức báo động III) xuất hiện vào tháng 9/2019.

PL

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-tho-chu-dong-ung-pho-trieu-cuong-a18835.html