Cần tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bùng phát trở lại

Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng gia tăng. Thời gian gần đây liên tục ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc mới tăng 22,4% so với tháng trước. Số ca mắc đang có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch".

a1-1660180263.jpg

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 ở nước ta có xu hướng gia tăng.Tại các tỉnh phía Nam dịch Covid-19 đang lây lan nhanh do biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron. Số ca mắc đang có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay, chân, miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Nhưng một số nguyên nhân đáng chú ý là tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do gặp nhiều khó khăn, vất vả với cường độ và áp lực công việc cao, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, thu nhập thấp, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ðáng chú ý, một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế. Tại một số nơi có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra trong việc mua sắm, đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Hiện nay có tình trạng né tránh tiêm vắc-xin ở một bộ phận người dân, dẫn đến nhiều chỉ tiêu về tiêm vắc-xin chưa đạt; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt được như mong muốn.

Từ thực tế đó, để đạt mục tiêu kiểm soát, không để dịch tái bùng phát đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể, từ việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch, đến tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng.

Quyền Bộ trưởng Y tế Ðào Hồng Lan yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống dịch. Các đơn vị tiếp tục cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; xây dựng và cung cấp các định hướng, hướng dẫn, thông điệp truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn. Rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách, hướng dẫn địa phương về công tác tài chính, công tác hậu cần, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị tuyến trên tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, địa phương; tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19… Các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vắc-xin; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các bộ, ban, ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðối với các địa phương cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; Công điện 664/CÐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và các chỉ đạo khác về công tác phòng, chống dịch; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức "2K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị. Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đạt chỉ tiêu đề ra; tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoàn thành tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vắc-xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Chỉ đạo việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị, bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả.

Ðối với các bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo tăng cường tiêm vắc-xin cho trẻ em bảo đảm khoa học, hiệu quả và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu và phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho năm học mới.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NÐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.

L.Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-tap-trung-trien-khai-dong-bo-cac-bien-phap-ngan-chan-khong-de-dich-bung-phat-tro-lai-a18813.html