Khoảng 50% người bệnh có thể tử vong sau 5 năm do mắc bệnh suy tim

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch - chuyển hóa như: tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành… ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, trong những năm gần đây, số lượng người bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa với không ít người bệnh đang trong độ tuổi lao động.

Những người nếu đã chuyển sang giai đoạn suy tim thì tỉ lệ tử vong cao và nhanh hơn cả bệnh ung thư. Đáng chú ý, khoảng 50% người bệnh có thể tử vong sau 5 năm.

Ngồi trước di ảnh của cô con gái mới tròn 2 tuổi, chị Nguyễn Thị Diệu Xuân (33 tuổi, ngụ TP HCM) vẫn chưa hết buồn vì con gái ra đi nhanh chóng chỉ sau 7 tháng phát hiện bị tim bẩm sinh.

Theo chị Xuân, trong thời kỳ mang thai, siêu âm bác sĩ có chẩn đoán bé bị bệnh tim, nhưng đa phần trẻ sau sinh sẽ tự động lành lại nên gia đình yên tâm. Sau khi sinh con được hơn 1 tuổi, bé bắt đầu có những biểu hiện khó thở, thở gấp và tím tái nên gia đình cho nhập viện điều trị. Nhưng sau gần 7 tháng nằm viện, bé đã mất vì phải chịu liên tiếp các đợt suy tim cấp bộc phát dồn dập.

Ghi nhận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP HCM, tỉ lệ người dân mắc bệnh suy tim đến bệnh viện thăm khám tăng cao hàng năm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là 95% bệnh nhân suy tim điều trị tại bệnh viện đã ít nhất một lần nhập viện do các đợt suy tim cấp trước đó. Chỉ 5% bệnh nhân chủ động đi khám khi có những triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, yếu sức...

a5-1660151326.jpg

Bệnh nhân bị suy tim đang được theo dõi tích cực.

Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP HCM) cho biết, suy tim là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch; ví dụ hở van tim, hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim hay một bệnh tim bẩm sinh. Ngoài ra, còn có một số bệnh lý có nguy cơ cao gây nên bệnh tim mạch như đái tháo đường, tăng huyết áp, thận mạn… nếu không được điều trị đúng sẽ dẫn đến suy tim.

Suy tim là bệnh mạn tính có những đợt cấp dữ dội, nếu điều trị ổn, bệnh nhân hay lầm tưởng khỏi bệnh. Nhưng chỉ cần tái phát một cơn thì thời gian sống của bệnh nhân giảm đi, chức năng cơ tim xuống dần và dẫn đến tử vong. Do đó, nếu được phát hiện, điều trị sớm có thể giúp người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, thọ hơn.

Cụ thể, đối với nữ giới hay gặp nhất là ung thư vú, thời gian sống 5 năm là 77,7% trong khi suy tim tỉ lệ sống sau 5 năm là 49%. Còn ở nam giới hay gặp là ung thư bàng quang và tuyến tiền liệt, thời gian sống sau 5 năm lần lượt là 57% và 68%. Trong khi suy tim ở đàn ông sau 5 năm chỉ có khoảng 55% sống sót.

Theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim mạch TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, cần chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, không ăn quá mặn, hạn chế uống rượu bia, tăng cường rau xanh, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng...

Bên cạnh đó, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để phát hiện sớm bệnh. Khi mắc bệnh hay các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, cần điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng tim mạch.

L.Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/khoang-50-nguoi-benh-co-the-tu-vong-sau-5-nam-do-mac-benh-suy-tim-a18803.html