Trí thức trẻ tình nguyện về vùng khó Lai Châu

Chủ trương tuyển dụng trí thức trẻ tình nguyện công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (thuộc Quân khu II) ở huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những trí thức trẻ tình nguyện với nhiệt huyết và khát khao cống hiến đã nỗ lực làm thay đổi vùng đất khó khăn nơi biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.   

Chú thích ảnh Trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (Phong Thổ, Lai Châu) hướng dẫn người dân xã Pa Vây Sử trồng cây nần nghệ.

Khát khao cống hiến 

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 hiện đang thực hiện nhiệm vụ ở 7 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ gồm: Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San và Mù Sang, với hơn 63km đường biên giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Do địa bàn ở khu vực biên giới với 6 dân tộc cùng sinh sống (Mông, Dao, Hà Nhì, Kinh, Mường, Thái), cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao thông vào các bản gặp nhiều trở ngại, nhất là mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, kinh tế - xã hội chậm phát triển dẫn tới thu nhập thấp nên đời sống của bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.

Thực hiện theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020” và Thông tư số 92/2010 TT-BQP ngày 05/7/2010 của Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức quản lý, điều hành dự án trên, từ năm 2010 đến nay, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã tiếp nhận 6 đợt trí thức trẻ tình nguyện với 150 đội viên. Riêng từ đầu tháng 4/2022, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 có 25 đội viên trí thức trẻ tình nguyện làm việc. Mỗi đợt tuyển dụng sẽ kéo dài trong 2 năm.

Thượng tá Lê Văn Trường, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 cho biết, để dự án triển khai đạt hiệu quả cao nhất, Đoàn đã ra quyết định về việc thành lập Ban Quản lý dự án 174 và tuyển dụng trí thức trẻ tình nguyện về Đoàn. Những trí thức trẻ tình nguyện được chọn đều có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học với nhiều chuyên ngành khác nhau. Sau khi tiếp nhận, Ban Quản lý dự án của Đoàn đã chủ động đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt cho đội viên trí thức trẻ tình nguyện và tổ chức ký hợp đồng trách nhiệm theo quy định.

Mặt khác, Đoàn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho các đội viên, huấn luyện điều lệnh, điều lệ quân đội và hướng dẫn làm công tác dân vận. Lãnh đạo Đoàn thường xuyên động viên quan tâm, chỉ đạo chi trả các chế độ đầy đủ để trí thức trẻ tình nguyện yên tâm làm việc. Với những kiến thức được đào tạo trong nhà trường, qua lớp tập huấn, thực tế cuộc sống ở đơn vị, các trí thức trẻ tình nguyện đã sớm bắt nhịp công việc, hòa đồng với người dân địa phương và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Với đam mê trồng trọt, đội viên trí thức trẻ tình nguyện Cứ Thị Say - cô gái dân tộc Mông đến từ xã Dào San (huyện Phong Thổ), luôn ấp ủ ước mơ “mở lối xóa đói giảm nghèo” cho đồng bào vùng biên. Đầu năm 2022, được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tuyển chọn là trí thức trẻ tình nguyện, Say đã hăng hái tham gia vào các hoạt động tại đơn vị. Gần đây, em còn trực tiếp đảm nhận vai trò Tổ trưởng mô hình trồng sâm ngọc linh.

Chú thích ảnh  Trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (Phong Thổ, Lai Châu) ươm giống cây sâm ngọc linh. 

Đội viên Cứ Thị Say chia sẻ, trong những ngày đầu triển khai mô hình, sên cắn làm hỏng một số mầm cây sâm. Vừa làm vừa tìm hiểu nguyên nhân, đúc rút kinh nghiệm, các em trong tổ đã khắc phục được tình trạng này. Hiện nay, số lượng cây sâm sống ngày càng nhiều, em hy vọng cây sâm ngọc linh sẽ được nhân rộng, cung cấp giống cho người dân và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Mang trong mình tinh thần tình nguyện và khát vọng được cống hiến, phục vụ Tổ quốc, đội viên Lý Gạ Che dân tộc Hà Nhì đến từ huyện Mường Tè (Lai Châu) đã  hai lần tham gia trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356.

Với kết quả đợt 1, tham gia trong 2 năm (2018-2020) thông qua các hoạt động: Nuôi gà xương đen thương phẩm, trồng nghệ, dạy học xóa tái mù chữ ở bản Tả Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong thổ. Lần này, Che ấp ủ dự định cùng các trí thức trẻ tình nguyện khác triển khai mô hình nuôi chim cút thương phẩm, trồng ớt trung đoàn. Bởi theo nhận định của Che, ớt trung đoàn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, nhanh thu hoạch, giá thành bán cao khoảng trên 200.000 đồng/kg.

Dấu ấn trong lòng người dân địa phương

Nhờ sự quan tâm về mọi mặt của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, chỉ sau vài tháng tham gia công tác, các trí thức trẻ tình nguyện đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân địa phương. Bước đầu, các trí thức trẻ tình nguyện đã triển khai thực hiện được các mô hình phát triển kinh tế như: ươm trồng 2.560 cây giống sâm ngọc linh, trồng 1.000m2 huyền sâm, 8.000m2 nần nghệ, 650 cây đào cảnh, nuôi chim bồ câu… Đây đều là những cây trồng có nhiều triển vọng về đầu ra sản phẩm và giá thành sản phẩm cao do có thể sử dụng làm dược liệu, thực phẩm hay cây cảnh. 

Các cây trồng hiện đang phát triển tốt, riêng mô hình trồng nần nghệ nhiều cây đã ra hoa, có 32 hộ trên địa bàn xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ đã đến học tập kinh nghiệm và trồng một tấn củ. Anh Xảy A Xảo, dân tộc Mông ở bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, do không có vốn đầu tư làm ăn, một số diện tích đất trước đây bỏ hoang, cuộc sống cứ mãi khó khăn. May mắn gần đây, anh đến thăm Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 và biết đến mô hình trồng nần nghệ của các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đang triển khai. Anh được Đoàn cấp miễn phí cho 2 tạ củ nần nghệ và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hiện cây phát triển rất tốt, hy vọng cây nần nghệ này sẽ giúp gia đình đẩy lùi đói nghèo.

Chú thích ảnh Trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 (Phong Thổ, Lai Châu) thử nghiệm nuôi chim bồ câu để nhân rộng mô hình cho người dân vùng biên giới. 

Cùng với việc giúp nhân dân phát triển kinh tế, các trí thức trẻ tình nguyện còn là lực lượng đắc lực cùng cán bộ, nhân viên trong Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khích lệ nhân dân vượt khó, mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Đồng thời, các trí thức trẻ tình nguyện tham gia tặng trên 10.000 bộ quần áo, 250 thùng mì tôm, 50 thùng sữa cho các em học sinh và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp bà con cấy, gặt, đổ nền nhà, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường được thông suốt.

Trung tá Nguyễn Quốc Toản, Chính trị viên Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 khẳng định, bốn trí thức trẻ tình nguyện được phân công về đội với tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, những trí thức trẻ tình nguyện là đồng bào dân tộc thiểu số, các em đã dạy bà con nói tiếng phổ thông và soạn giáo án dạy tiếng Mông cho cán bộ, nhân viên trong Đoàn để làm tốt hơn nữa công tác dân vận.

Thời gian tới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tiếp tục xây dựng kế hoạch hướng dẫn các phòng, đội, xí nghiệp hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, mở lớp xóa, tái mù chữ, vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh. Trên cơ sở đó, sử dụng hiệu quả nguồn trí thức trẻ tình nguyện có trình độ, góp sức làm thay đổi diện mạo mảnh đất vùng biên; thực hiện hiệu quả chủ trương từ cấp trên, thắt chặt tình đoàn kết quân dân nơi biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chung sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đinh Thùy

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tri-thuc-tre-tinh-nguyen-ve-vung-kho-lai-chau-a18738.html