Vĩnh Long: Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca bệnh nặng cũng tăng so với cùng kỳ.

Nhằm kịp thời khống chế, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành y tế tỉnh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. 

Chú thích ảnh Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Số ca mắc tăng cao

Tính đến đầu tháng 8/2022, toàn tỉnh Vĩnh Long ghi nhận trên 1.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có gần 40 ca bệnh nặng và 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 4 lần và tăng 2 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh phát hiện 283 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.

Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện tiếp tục tăng cao. Nếu trong tháng 6/2022, tại khoa tiếp nhận hơn 30 trường hợp bệnh nhi sốt xuất huyết thì trong tháng 7 vừa qua, số lượng tiếp nhận đã tăng hơn 2 lần. Trong đó, đáng lưu ý có hơn 15 ca chuyển nặng phải truyền dịch, chống sốc; một số ca trẻ thừa cân, béo phì, tổn thương đa cơ quan phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Chăm sóc cho con tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Phương (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, khi thấy xung quanh nhà có một vài trẻ mắc sốt xuất huyết, gia đình đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, diệt lăng quăng (bọ gậy)… Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tuần sau thì con trai chị cũng có dấu hiệu sốt và mắc sốt xuất huyết. Ngay khi con có biểu hiện sốt, chị đã đưa bé đến bác sỹ khám, sau đó nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình. Tuy nhiên, sau đó tình hình bệnh của con chị tiếp tục chuyển nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long để điều trị, chăm sóc tích cực. Sau thời gian điều trị vài ngày, sức khỏe con chị đã dần được cải thiện và phục hồi. Chị Phương chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm và cũng dễ lây lan, nếu chỉ một gia đình chủ động phòng, chống thì rất khó, cần có sự ý thức chung từ cộng đồng, từng khóm, từng khu và nhà nhà đều chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh thì mới hiệu quả.

Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Chí Công -  Phó Khoa Nhi Bệnh Viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bệnh sốt xuất huyết diễn tiến từ 2 đến 7 ngày. Theo đó, trong hai ngày đầu, trẻ có thể sốt cao, từ ngày thứ ba trở đi, tình trạng sốt giảm dần. Tuy nhiên, trong giai đoạn này bệnh có thể diễn tiến nặng, có thể sốc, rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ, nếu trẻ lười ăn, không chịu chơi, đau bụng, nôn ói nhiều… thì nên đưa trẻ đến khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị, tránh trình trạng diễn tiến nặng và dẫn đến tử vong. Đối với những ca sốt xuất huyết nhập viện, khi có dấu hiệu cảnh báo thì nhân viên y tế sẽ có biện pháp theo dõi các sinh hiệu của bệnh nhân thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp chuyển nặng để điều trị. Bệnh viện đã chuẩn bị các cơ số thuốc, dịch truyền... đáp ứng khi tình hình sốt xuất gia tăng như hiện nay.

Chủ động phòng, chống trong cộng đồng

Theo ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ cuối tháng 4/2022 đến nay, tỉnh ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 13,9 lần và số ổ dịch tăng 16,6 lần so với 4 tháng đầu năm. Số ca mắc tăng cao là do bắt đầu mùa mưa tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển và chu kỳ dịch của bệnh sốt xuất huyết quay trở lại. Dự báo, tình hình bệnh sốt xuất sẽ còn phức tạp, chiều hướng ca bệnh sẽ tăng trong tháng 8, tháng 9 tới, do đó, ngành y tế tỉnh tăng cường hệ thống giám sát bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị theo quy định, đồng thời tập trung xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, ngay từ khi ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên, ngành y tế địa phương đã nhanh chóng phối hợp với các đoàn thể phun xịt hóa chất tại các ổ dịch để hạn chế nguồn lây, đồng thời đến từng gia đình hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, hạn chế tạo môi trường cho muỗi sinh trưởng và gây bệnh.

Phó Trạm y tế xã Hòa Phú Nguyễn Thị Thu Ba cho biết, bệnh sốt xuất huyết nếu không xử lý kịp thời sẽ dễ lây lan trong cộng đồng, do đó khi phát hiện ca bệnh thì xã báo về Trung tâm y tế huyện, đồng thời phối hợp các ngành phun thuốc và vận động người dân phòng tránh. Qua tuyên truyền, đa số người dân đồng thuận, tuy nhiên một số bà con chưa hiểu hết về các biện pháp phòng bệnh nên đôi khi công tác phòng bệnh chưa triệt để, một bộ phận người dân cũng không đồng ý phun thuốc gây khó khăn cho nhân viên y tế trong xử lý ổ dịch.

Xác định ý thức người dân giữ vai trò quan trọng, bên cạnh công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sự nguy hiểm của bệnh, hiểu đúng và đủ về các biện pháp phòng bệnh. Theo đó, tại các vùng nông thôn, người dân vẫn có thói quen dùng lu, khạp để trữ nước, ngoài ra một số vật dụng không cần thiết như vỏ dừa, chai nước đã sử dụng được lưu lại trong sân vườn sẽ tạo điều kiện cho nước mưa lưu lại, lăng quăng có môi trường sống và phát triển. Ngành y tế địa phương đã tuyên truyền để người dân hiểu hơn về những mối nguy cơ này, hướng dẫn cách hạn chế không tạo môi trường để muỗi sinh sống và gây bệnh.

Chú thích ảnh Tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Bà Bùi Thị Út Em (ngụ xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) cho biết, qua tìm hiểu thông tin thì biết bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm cho người lớn và trẻ em nên đã chủ động phòng tránh bằng cách thường xuyên diệt muỗi, cho trẻ ngủ mùng (màn) …Tuy nhiên, khi cán bộ y tế đến nhà hướng dẫn thì mới phát hiện xung quanh nhà có rất nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng đang sinh sống như thùng lau nhà, gáo dừa, chai nước đã sử dụng. Ngay cả những lu chứa nước đã đậy nắp nhưng cũng có lăng quăng, nguyên nhân là do đậy nắp chưa đúng và chưa đủ kín. Qua được tuyên truyền, hướng dẫn, bà Bùi Thị Út Em chia sẻ: “Nghe thông tin tôi cũng sợ bệnh sốt xuất huyết mà cách mình phòng bệnh cũng chưa đúng lắm. Được hướng dẫn thì tôi hiểu hơn. Diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa thông thoáng, đổ bỏ nước ở những vật dụng chứa nước không cần thiết và tránh muỗi đốt là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất".

Còn ông Phan Khắc Nam (ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) cho biết, qua nghe tuyên truyền và tìm hiểu thông tin trên báo, đài nên biết được sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Ông đã chủ động vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà, đối với các lu chứa nước thì thường xuyên vệ sinh, đậy nắp kỹ, không tạo môi trường để lăng quăng sinh sống, phát triển thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng, trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng nhanh và số ca nặng cũng tăng, ngành y tế đã tổ chức tập huấn cho cả hệ thống về công tác giám sát, điều trị, phát hiện những trường hợp bệnh, hướng xử lý để giảm tử vong, đồng thời triển khai các đợt giám sát véc-tơ, giám sát huyết thanh, dịch tễ… để chủ động hơn trong phun hóa chất, phòng bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Ngành Y tế đánh giá việc nâng cao nhận thức của người dân có vai trò quan trọng, do đó đã tuyên truyền để người dân hiểu về mức độ nguy hiểm, cách xử lý khi bị sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Song song đó, ngành cũng tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế tham gia công tác điều trị. Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long nỗ lực đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm để cơ sở y tế có thể chẩn đoán, điều trị kịp thời. Riêng đối với trường hợp bệnh nặng, vượt khả năng thì sẽ hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, tùy kết quả hội chẩn sẽ tiếp tục điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên để xử lý phù hợp, hạn chế tình trạng tử vong do sốt xuất huyết.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vinh-long-tang-cuong-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-a18654.html