Chủ động bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước

Trước tình hình số ca đuối nước liên tục tăng trong dịp hè này, các chuyên gia khuyến cáo, không chỉ với ao hồ, sông suối, biển mà nguy cơ đuối nước còn rình rập ngay trong mỗi nhà. 

tre-tap-boi-1659687067.jpg
Bơi lội là một trong những kỹ năng cần thiết cho trẻ. Ảnh minh họa

Liên tục xảy ra các vụ đuối nước

Khoảng 20 giờ ngày 4/8, người dân khi đi kéo cá tại hồ thủy lợi Sông Lũy thuộc xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã phát hiện hai thi thể. Vụ việc đã được báo cho Công an huyện Bắc Bình. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện đã cử lực lượng đến bảo vệ hiện trường và trưng cầu giám định pháp y để điều tra nguyên nhân tử vong của hai nạn nhân.

Theo thông tin ban đầu, hai nạn nhân được xác định là: T. Q. T (18 tuổi, trú tỉnh Tây Ninh) và T.L.U.P (13 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng). Trước đó, vào ngày 3/8, Công an xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình đã nhận được tin hai em T và P đi bắt ốc nhưng không thấy về nhà. Công an xã Phan Lâm và gia đình tổ chức tìm kiếm nhưng không tìm thấy các em. Đến sáng 5/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, bàn giao thi thể hai nạn nhân về cho gia đình lo hậu sự. 

Ở tỉnh Quảng Bình, vào chiều tối 2.8 tại đập Thác Chuối (thuộc sông Dinh) chảy qua địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 chị em trong 1 gia đình bị tử vong. Sự việc xảy ra khi 2 chị em đi tắm tại đập Thác Chuối. Sau đó, anh L - bố 2 cháu bé trên - đưa 2 cháu đi bệnh viện cấp cứu nhưng 2 cháu đã tử vong. 

Theo thống kê, tại Quảng Bình từ đầu hè 2022 đến nay đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là trẻ em, đang độ tuổi đến trường. 

Bé 6 tuổi suýt tử vong ở bể bơi trong nhà  

Nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.B.M. (sáu tuổi, ngụ TP.Hà Nội) vừa trải qua những ngày phải đối diện với tử thần. Nhìn con vừa cai máy thở, tỉnh dậy sau cơn hôn mê, mẹ bé M. dù đã trút được “gánh lo” nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những gì vừa xảy ra.
 
Đó là một ngày tháng Bảy nóng bức, hai mẹ con rủ nhau xuống bể bơi được xây trong nhà. Dù con chưa biết bơi song nghĩ mực nước không quá cao nên chỉ trong vài phút lơ đãng, khi quay lại, chị đã thấy con chìm xuống đáy bể.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc của bệnh viện - chia sẻ: Khi được đưa vào bệnh viện, bé M. đã trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản và thở máy. May mắn, do sơ cứu ban đầu có hiệu quả nên trẻ thoát chết, sức khỏe hiện đã ổn định. 

Đáng lưu ý, theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, từ đầu mùa hè tới nay, đơn vị này đã tiếp nhận gần 20 ca nặng, được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên để điều trị, cấp cứu. Mới đây, Khoa Cấp cứu - Chống độc cũng vừa tiếp nhận một trẻ ba tuổi (tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê sau khi bị ngã xuống ao.

“Trường hợp này bố mẹ đi làm ở gần nhà nên để bé sáu tuổi trông em. Tuy nhiên, khi trở về, hai vợ chồng không thấy con đâu. Sau khi hoảng loạn chạy đi tìm thì phát hiện con đã ngã xuống ao ngay trước nhà”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng kể lại.

Liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian nghỉ hè, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nhấn mạnh, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt, ở cả trong chính mỗi ngôi nhà. Không chỉ nguy cơ từ ao vườn hay bể bơi trong nhà, có những trường hợp vô cùng thương tâm khi trẻ bị đuối ngay trong bồn tắm.

Bác sĩ nhắc lại bệnh nhi mà mình đã tiếp nhận cách đây 5 năm. Đó là một bé gái tám tuổi ở Hà Nội. Khi đang tắm cho con, người bố có việc phải ra ngoài khoảng 30 phút. Khi trở lại, anh đã thấy con bất động trong bồn tắm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, da môi tái, đồng tử giãn. Dù được điều trị tích cực, tuy nhiên sau hai ngày vào viện, trẻ đã diễn biến xấu và tử vong. 

Chủ động phòng tránh đuối nước 

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước là do hiện nay ở nhiều địa phương thiếu các sân chơi lành mạnh, đã khiến trẻ em từ nông thôn tới thành phố tìm đến các ao hồ, sông suối, các bãi tắm tự phát trong khi lại thiếu hiểu biết về kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự quản lý giám sát của người lớn. Thực tế, trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm thời tiết nắng nóng của mùa hè. Khi vui chơi các em thích hành động theo suy nghĩ bột phát của mình trong khi chưa nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân và bạn bè, vì thế tai nạn xảy ra đối với trẻ là không tránh khỏi. Theo đó, việc trang bị kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước hiện nay được nhiều gia đình hướng đến cho các con, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tham gia lớp học, các em sẽ được trang bị những kiến thức, lý thuyết bơi cơ bản; thực hành bơi dưới nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước; cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước; khi gặp người đuối nước.

Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em cần tiến hành các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em đến các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, thôn, buôn, khối phố, tổ dân phố và gia đình về việc thực hiện các tiêu chuẩn Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn; tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em. Đối với mỗi cơ sở giáo dục, cần tập trung là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước học sinh các trường phổ thông; linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác đoàn đội trong việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống…

Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm; rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước như ao, hồ, sông ngòi, khu vực nước sâu, nguy hiểm, các công trình xây dựng đang thi công... để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Quan tâm đầu tư, tổ chức các lớp học bơi, an toàn trong môi trường nước phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chỉ đạo, hướng dẫn quản lý và sử dụng có hiệu quả các điểm vui chơi tại cộng đồng; tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao phục vụ trẻ em.

MP

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chu-dong-bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-duoi-nuoc-a18613.html