Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm cho đất nước giàu mạnh là quan điểm nhất quán của Đảng, nhà nước ta.Kế thừa và phát huy ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo.

Trước tình hình đó, việc xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển thành lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết, chính đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, thực thi pháp luật trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quốc hội và tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

image001-1659453617.jpg
Ảnh minh hoạ - Canhsatbien.vn

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý cơ quan, tổ chức cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Hiện nay, các hành vi xâm lấn về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông đang diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Phần lớn tình huống quốc phòng - an ninh trên Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang và chiến tranh trên biển, đòi hỏi sự khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết và hành động đúng đối sách. Việt Nam luôn cam kết giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế hiện đại.

image004-1659453658.jpg
Ảnh diễn tập của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam - Nguồn canhsatbien.vn

Việc sử dụng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để “Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng - an ninh trên biển” trong điều kiện tình hình Biển Đông hiện nay là phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp bằng lực lượng “dân sự”, đảm bảo hòa bình, ổn định và tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế; góp phần làm bớt đi tính nhạy cảm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng thành nguyên nhân, nguy cơ đẩy lên thành xung đột.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và nhiệm vụ cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược, từ đó có quyết sách đúng, trúng trong xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển. Chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình ổn định trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Cảnh sát biển là tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện ý chí tập trung của Đảng, Nhà nước về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp pháp luật quốc tế.

 

Đức Tú

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/luat-canh-sat-bien-viet-nam-trong-hoat-dong-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-a18533.html