Mẹo ăn uống giúp giảm tình trạng ê buốt răng

Những người có răng nhạy cảm thường có dấu hiệu: đau hoặc ê răng khi ăn đồ nóng hoặc lạnh; đau khi bạn cắn hoặc nhai; đau hoặc nhạy cảm giới hạn ở một răng cụ thể hoặc trong một số răng lân cận; đau khi thở bằng miệng, đặc biệt là không khí lạnh…

1. Răng nhạy cảm gây ê buốt răng

Theo BS. Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, nếu khi bạn ăn hoặc uống thứ gì đó nóng hoặc lạnh dẫn đến ê răng, có thể do răng bạn nhạy cảm.

Nguyên nhân khiến răng bị nhạy cảm có thể do nhiều nguyên nhân như: sâu răng; tụt nướu; đánh răng quá mạnh khiến lớp men bảo vệ răng bị mất đi; bị bệnh nướu răng do cao răng hoặc mảng bám tích tụ; nghiến răng; răng bị nứt hoặc miếng trám bị vỡ trong răng; men răng bị mòn do thức ăn và đồ uống có tính axit…

Một số người bẩm sinh có răng nhạy cảm hơn những người khác do lớp men răng mỏng hơn bình thường hoặc do lớp men răng bị mòn đi theo thời gian do: chải răng quá mạnh, sử dụng bàn chải lông cứng, gây ảnh hưởng đến lớp men răng và ngà răng từ đó tạo điều kiện cho axit tấn công và gây cảm giác ê buốt.

a2-1659436682.jpg

Thường xuyên bị ê buốt răng là dấu hiệu của răng nhạy cảm.

2. Chăm sóc răng nhạy cảm như thế nào?

Vì tình trạng ê buốt răng do nhiều nguyên nhân gây ra nên BS. Nguyễn Trung Nghĩa khuyên người bệnh cần đi khám chuyên khoa Răng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị chăm sóc phù hợp.

- Nếu răng bị ê buốt do các bệnh lý về răng gây ra có thể cần điều trị can thiệp, dùng thuốc kết hợp vệ sinh răng miệng đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Người bệnh cần thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng bàn chải lông mềm và chải nhẹ răng. Súc miệng bằng nước muối sinh lý sau khi đánh răng.

- Có thể sử dụng loại kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng nhạy cảm, có chứa các thành phần ức chế sự nhạy cảm của răng, giúp giảm cảm giác khó chịu.

- Từ bỏ thói quen nghiến răng nếu có.

- Đặc biệt, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu canxi. Uống đủ nước. Tránh ăn các thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc lạnh, thực phẩm chứa nhiều đường và axit… có thể gây hư hại men răng khiến triệu chứng ê buốt trầm trọng hơn.

3. Mẹo ăn uống giúp giảm tình trạng ê buốt răng

Tránh đồ ăn, thức uống quá nóng hoặc quá lạnh

Những người có răng nhạy cảm thiếu lớp men răng hoạt động như một hàng rào bảo vệ. Nếu không có lớp men đó để cách nhiệt các dây thần kinh, nhiệt độ của thức ăn có thể làm tình trạng ê buốt trở nên trầm trọng hơn.

Vì vậy, người có răng nhạy cảm cần tránh thức ăn và đồ uống có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh như cháo nóng, canh nóng, nước lẩu nóng, kem, nước đá…

Nước đá có thể là vấn đề đối với răng nhạy cảm vì nó vừa lạnh vừa cứng, không nên uống nước đá và nhai đá. Ăn kem lạnh và có đường khiến răng càng nhạy cảm hơn.

Cà phê nóng cũng có thể khiến răng bạn bị đau, và việc làm ngọt cà phê với đường có thể khiến răng bị đau và hư hại nhiều hơn.

a3-1659436725.jpg

Người có răng nhạy cảm nên tránh sử dụng nước đá.

Chọn thực phẩm giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt

Tuyến nước bọt hoạt động một cách tự nhiên để đối phó với axit, mảng bám và vi khuẩn có hại. Bạn nên ăn một số thực phẩm giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt, làm ẩm miệng, chống lại axit và vi khuẩn ăn mòn men răng như:

•        Thực phẩm giàu chất xơ

•        Sữa

•        Sữa chua nguyên chất

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường

Khi bạn ăn đường là lúc bạn tạo môi trường thuận lợi cho hàng triệu vi khuẩn đã có trong miệng của bạn. Vi khuẩn sẽ tích tụ mảng bám và tạo ra axit lactic, chất này làm mòn men răng, có thể gây đau răng và làm trầm trọng hơn tình trạng ê buốt răng. Thức ăn quá ngọt và dính sẽ kích thích các dây thần kinh ở ngà răng, lớp bên dưới men răng gây ra cơn đau.

- Soda là một trong những thực phẩm hàng đầu cần tránh đối với răng nhạy cảm. Có hai thành phần trong soda gây kích ứng các dây thần kinh tiếp xúc với răng và gây đau răng, đó là đường và axit.

- Bánh, kẹo, đặc biệt là kẹo cứng chứa đầy đường và cũng có thể khiến răng bị mẻ hoặc gãy.

- Có một số lý do tại sao carbohydrate tinh chế như bánh ngọt, bánh mì sandwich không tốt cho bạn. Vì chúng chứa nhiều đường đơn dễ dàng hòa tan nhanh chóng trong miệng. Khi bạn nhai, những mảnh vụn bánh ngọt hoặc bánh mì sẽ dính lại và mắc kẹt trên bề mặt cắn và giữa các răng. Đường hòa tan tạo ra một lượng axit làm xói mòn men răng và có thể gây đau răng.

- Trái cây sấy khô có hàm lượng đường cao và có thể lưu lại trên răng của bạn và nuôi sống vi khuẩn mảng bám.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều axit

Thực phẩm và đồ uống có tính axit cao làm mòn men răng, khiến bạn dễ bị ê buốt răng và sâu răng. Ngoài ra, chúng cũng có thể làm cho đường viền nướu bị tụt lại, làm lộ các dây thần kinh.

Nước ngọt có gas, nước ép trái cây, trái cây họ cam quýt đều có tính axit cao. Các món ăn sử dụng giấm như dưa chuột trộn dấm hay cà chua và nước sốt mì làm từ cà chua cũng nhiều axit.

Vì vậy nếu bị ê buốt răng, bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống này. Nên súc miệng bằng nước sau khi ăn uống thực phẩm có tính axit.

 

L.Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/meo-an-uong-giup-giam-tinh-trang-e-buot-rang-a18528.html