Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Việt Nam hiện có gần 1 triệu ngư dân trực tiếp làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, với khoảng 130,000 tàu cá và trong đó có hơn 30,000 tàu đánh bắt xa bờ. Họ là những người có dũng khí, dám mạo hiểm, bám biển trong mọi điều kiện khó khăn vất vả.

Giữa trùng khơi mênh mông, mỗi con tàu đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước sóng gió là những "cột mốc sống", khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hiện diện của bà con ngư dân không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển mà còn góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc.  Đây là lực lượng không thể thiếu đối với sự hiện diện dân sự và thực hiện chủ quyền dân sự trên các vùng biển và các đảo của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của Biển Đông hiện nay.

Những năm qua, lực lượng cảnh sát biển (CSB) Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển mà còn chú trọng đến công tác dân vận nhằm giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế. CSB Việt Nam cũng đã sát cánh cùng các lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, bảo vệ chủ quyền trên biển... Lực lượng Cảnh sát biển đánh giá rất cao vai trò của ngư dâncoi đó như là những cột mốc sống ở trên biển trong việc góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc. vậy việc đồng hành cùng ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển cũng là một trong những nhiệm vụ được quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.

Việt Nam có vùng biển hơn 1 triệu km vuông rất nhiều tiềm năng, lại là tuyến vận tải có ý nghĩa. Để có thể mạnh từ biển, giàu nhờ biển chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Bởi vài năm trở lại đây, việc đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn hơn, bị tàu nước ngoài cướp hàng, phá hỏng ngư cụ, thậm chí bị bắt, có lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền về mốc giới được phép của mình, bà con ngư dân đã có ý thức hơn khi đi khai thác ngoài khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ai cũng biết đi biển là nghề nguy hiểm, nhưng nhờ có sự đồng hành của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngư dân họ không còn đơn độc nơi khơi xa, hăng say ra khơi bám biển, sản xuất.

image003-1659340650.jpg
 

Cảnh sát biển Việt Nam trên cương vị, chức trách của mình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để bảo vệ các hoạt động khai thác, tài sản của ngư dân trong quá trình đánh bắt cá như bình thường trên vùng biển của mình, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Qua đó, khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có hiệu lực, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để bảo vệ hoạt động khai thác, tài sản của ngư dân trong quá trình đánh bắt cá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. 

Để tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển  đã chủ động soạn thảo tài liệu thuyết trình sinh động, dễ hiểu để nhân dân dễ nắm bắt và dễ nhớ. Cụ thể, Cảnh sát biển đã cập nhật, thông tin kịp thời tình hình về biển, đảo thời gian vừa qua, mang lại thêm niềm tin, niềm phấn khởi cho người dân vào tiềm lực, ý chí trong việc bảo vệ chủ quyền của lãnh thổ.

Đồng thời tổ chức các tổ đội đi xuống âu cảng, nơi tập trung đông người, các phương tiện của ngư dân. Nội dung tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, cũng như nắm được các quy định của pháp luật Việt Nam và của quốc tế trong quá trình đánh bắt trên biển; nắm được các tần số liên lạc khi gặp nạn trên biển... để phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

image002-1659340671.jpg
 

Ngoài khơi, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển (CSB) luôn đồng hành cùng ngư dân. Về bờ, CSB luôn quan tâm hỗ trợ, động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần ấy, nghĩa tình ấy thể hiện rõ qua Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" trong những năm qua. Tiếp tục phát triển mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương các xã (huyện) đảo vững mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.

Cảnh sát biển tích cực tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai vùng ven biển, cũng như trên biển giúp đỡ ngư dân ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn tiếp tục vươn khơi bán biển. Với tinh thần không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua sóng to, bão lớn để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hoạt động trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu dân, cứu tàu nơi biển xa, thực hiện đúng “mệnh lệnh từ trái tim”.

Bên cạnh đó, Lực lượng Cảnh sát biển cũng tiếp tục duy trì các lực lượng tuần tra kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá và thuyền trưởng cố tình vi phạm, có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Chủ động nắm tình hình trên các vùng biển và địa bàn có liên quan; kịp thời phát hiện các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam...

Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của ngư dân hoạt động trên biển từ đó họ ủng hộ, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Biển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, ngư dân, chủ phương tiện đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhất là việc chấp hành về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian qua, góp phần đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển.

Luật Cảnh sát biển góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của Nhân dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo và khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển.

 

Thu Hà

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/luat-canh-sat-bien-viet-nam-diem-tua-cho-ngu-dan-bam-bien-a18485.html