Liên tiếp xảy ra động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Vào lúc 8 giờ 14 phút 37 giây (giờ Hà Nội) ngày 1/8, tại tọa độ 14.873 Vĩ Bắc-108.244 Kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy trận động đất có độ lớn 3.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất kể trên không gây rủi ro về thiên tai.

64b2deb8bd6fb100b4dfad2a35494ae9-165933031656665752151-1659335878.jpg
Vị trí tâm chấn động đất xảy ra trong sáng 1/8. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu


Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn từ 2.4 đến 4.5, trong đó trận động đất trưa 18/4/2022 có độ lớn lên đến 4,5. Các trận động đất này đều thuộc loại yếu và trung bình, không gây rủi ro thiên tai.

Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, trước đó, trong tháng 5 và tháng 6, tại huyện Kon Plông cũng liên tiếp xảy ra động đất có cường độ từ khoảng 2,5 đến hơn 3,0.

Trước đó, trong năm 2021, khu vực này xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn dưới 4.0. Từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra nếu có.

Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh, cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn.

Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực. 

Qua nhận định bước đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.

Khi nhận được tin cảnh báo động đất, sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; UBND các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Liên quan đến việc động đất xảy ra liên tục tại huyện Kon Plông, ngày 5/5, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi các đơn vị về việc theo dõi, xử lý động đất tại huyện Kon Plông.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi dư chấn động đất trên địa bàn; kịp thời thông tin kết quả kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ nguy cơ ảnh hưởng động đất của các đơn vị để công bố cho chính quyền cơ sở và người dân được biết, chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt bổ sung mới 3 trạm quan sát động đất kết hợp với 3 trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt; hỗ trợ kinh phí cho việc vận hành mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum (6 trạm).

Đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương đầu tư, lắp đặt mới và cấp kinh phí vận hành 2 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Đăk Đrinh để kết nối vào hệ thống với 6 trạm quan sát động đất ở khu vực công trình thủy điện Thượng Kon Tum.

MP

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/lien-tiep-xay-ra-dong-dat-tai-huyen-kon-plong-tinh-kon-tum-a18484.html