Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo một số bộ, ngành, và 8 tỉnh, thành phố có dự án đi qua: Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại cuộc họp đại diện các bộ ngành thông tin, trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Và Chính phủ đã quyết định hàng loạt cơ chế đặc thù để triển khai 3 tuyến cao tốc này với tổng mức đầu tư 84.463 tỷ đồng.
Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài tuyến hơn 188km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh An Giang 56,7km, thành phố Cần Thơ 37,7km, tỉnh Hậu Giang 37,7km và tỉnh Sóc Trăng 56,1km. Đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt.
Khi hoàn thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc-Đông Nam; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Do dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và thẩm quyền quyết định việc phân cấp là Thủ tướng Chính phủ nên Bộ Giao thông Vận tải phân chia dự án này thành 4 dự án thành phần.
Trong dự án thành phần 1 (Km0+000 đến khoảng Km57+200), từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, An Giang) đến huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) dài 57,2km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỷ đồng.
Về nguồn vốn đối ứng, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương bố trí 1.380 tỷ đồng, từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý để tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh An Giang. Trong số đó, năm 2022 bố trí 380 tỷ đồng và năm 2023 bố trí 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty tư vấn 623, đơn vị tư vấn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng khối lượng cát của toàn dự án gần 18 triệu m3. Hiện trữ lượng mỏ của các tỉnh lớn hơn con số này. Các đơn vị tư vấn cho rằng, mốc tiến độ đến 30/6/2023 khởi công dự án là hoàn toàn khả thi.
Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương cũng khẳng định cam kết đáp ứng được các mốc tiến độ đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo dự án do lãnh đạo tỉnh, thành phố làm trưởng ban.
"Dự án là mong mỏi của bà con ĐBSCL, khi hoàn thành, sẽ tạo cú hích, động lực, tạo đột phá cho tăng trưởng của các địa phương trong vùng", ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói. Thành phố đã giao các địa phương có dự án đi qua tiến hành rà soát, khảo sát để tính chi phí giải phóng mặt bằng. "Với quyết tâm cao, chúng tôi phấn đấu hoàn thành các mốc thời gian theo Nghị quyết của Chính phủ", ông Mạnh khẳng định. Tuy nhiên, nhiều việc không chỉ phụ thuộc vào địa phương mà cần sự phối hợp của các bộ như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Là địa phương không có mỏ vật liệu xây dựng, lãnh đạo Cần Thơ mong muốn các địa phương khác hỗ trợ và đề nghị các địa phương thống nhất mức giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình.
Theo đại diện tỉnh Đắk Lắk, cần thống nhất khung chính sách bồi thường giữa các địa phương khi dự án đi qua từ 2 địa phương trở lên, nếu không, sẽ dẫn tới bất bình đẳng và khiếu kiện của người dân.
Các địa phương cũng đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ trong triển khai các thủ tục, bởi nếu thực hiện tuần tự từng bước một thì không bảo đảm tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đây là 3 tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng của cả khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên. Thời gian qua, các địa phương đã rất chủ động triển khai 3 dự án cao tốc. Các địa phương đều thống nhất cao việc giao cho địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Theo Phó Thủ tướng, thực tế thì thấy phân cấp cho các địa phương thì tốc độ triển khai nhanh hơn. "Chủ trương này vừa đúng, vừa trúng và thực tế đã chứng minh".
Để đẩy mạnh triển khai dự án, Phó Thủ tướng nêu ra một số yêu cầu, trước hết là về thiết kế, khâu rất quan trọng, "phải hết sức chú trọng chất lượng, giá thành". Tư vấn phải khảo sát thật kỹ, giúp địa phương về tiến độ, làm sao đến 30/6/2023 khởi công dự án.
Thứ hai, về giải phóng mặt bằng, phải tiến hành đồng thời các thủ tục như vừa thiết kế, vừa cắm mốc chỉ giới, lập phương án đều bù. Phải xây dựng đường găng tiến độ cụ thể trong vấn đề này.
Thứ ba, về mỏ vật liệu, khâu quyết định đến chất lượng, tiến độ, giá thành. Tư vấn phải tăng cường khảo sát mỏ, tính toán kỹ giá thành vận tải. Các tỉnh cần chủ động vấn đề này, nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ đội vốn đầu tư.
Thứ tư, cần chú ý lựa chọn nhà thầu, "phải bảo đảm thật công tâm, khách quan, chọn nhà thầu có năng lực, nhiều kinh nghiệm, "khâu này rất quan trọng, quyết định thắng lợi của dự án".
Nhấn mạnh việc hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, chủ động, rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trong xây dựng cao tốc hiện nay.
MP
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dau-tu-hon-84-nghin-ty-dong-xay-dung-3-tuyen-cao-toc-moi-tai-nam-bo-va-tay-nguyen-a18359.html