Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM và các tỉnh, thành tiếp tục gia tăng ở mức đáng "báo động". Trong khi đó, chúng ta chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết.
Đầu tháng 7 vừa qua, vụ việc một phụ nữ mắc sốt xuất huyết bị tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho thấy sự cẩn thiết phải cẩn trọng khi truyền dịch. Trước đó, chị T.T.H. (28 tuổi) bị sốt, đau đầu, đến thăm khám có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Để xử trí, phòng khám đã truyền dịch, ngay sau đó chị H. đột ngột chuyển nặng và được đưa đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân đã bị ngưng tim, ngưng thở và được kết luận là tử vong trước khi đến bệnh viện.
Đây không phải là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến truyền dịch. Năm 2016, một nữ bệnh nhân 20 tuổi (ngụ TP.HCM) vào một phòng khám vì sốt, tụt huyết áp, được chỉ định truyền dịch song tình trạng trở nặng, tử vong. Kết quả điều tra sau đó xác định bệnh nhân tử vong do viêm cơ tim cấp, nặng và lan rộng toàn bộ.
Trước thực tế này, rất nhiều người thắc mắc "sốt xuất huyết có được truyền dịch không?" hay "sốt xuất huyết có nên truyền dịch không?".
BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, người bệnh mắc sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch, cần phải có chỉ định bởi nó rất nguy hiểm. Việc truyền dịch sẽ khiến cơ thể giữ nước dù bệnh nhân có đi tiểu ra ngoài một phần nhưng nó vẫn giữ nước ở các kẽ. Bệnh nhân sẽ bị phù, dư ở ngoài nhưng thiếu trong. Vì vậy bệnh nhân sẽ vừa bị sốc (rối loạn tuần hoàn làm giảm tưới máu cấp ở các mô) lại vừa suy hô hấp do trước đó truyền dịch.
Chính vì vậy việc truyền dịch không có chỉ định rất nguy hiểm chưa kể một số người truyền dịch lại bị rung kim truyền (sốc kim truyền) không tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, truyền dịch sốt xuất huyết có quy định chặt chẽ. Những trường hợp được phép truyền dịch đó là những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 trở đi, ăn uống không được, có triệu chứng mất nước (môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo...), nôn ói nhiều (trên 3 lần/1 giờ và trên 4 lần trong 6 giờ) thì mới được truyền dịch. Lúc đó chỉ số HCT (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu) cô đặc máu cao, ví dụ trẻ em từ 4-10 tuổi, chỉ số HCT bằng 42% là cô đặc còn ở người lớn chỉ số HCT từ 48-50% là cô đặc.
Về một số lưu ý khi truyền dịch, bác sĩ Tiến cho hay, truyền dịch trong sốt xuất huyết và sốt xuất huyết nặng phải theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đồng thời phải theo dõi tình trạng cụ thể của bệnh nhân (mạch, huyết áp, nhịp thở…) khi bệnh nhân truyền dịch nhiều quá có thể gây tràn khó thở hoặc là diễn tiến vào sốc… để thay đổi phác đồ điều trị cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý, nhiều trường hợp bệnh nhân khó chịu khi truyền dịch nên họ rút kim truyền gây nguy hiểm. Dịch truyền là để chống sốc chứ không phải dịch truyền là bổ sung dinh dưỡng. Dịch truyền là điện giải, chất đạm, vitamin … truyền không có hiệu quả.
Về nguy cơ phản ứng khi truyền dịch sốt xuất huyết, bác sĩ Tiến cho hay, sốt xuất huyết cơ địa dễ vào sốc, gia tăng tình trạng tăng tuyết áp, rung kim truyền… do đó khó phân biệt tình trạng sốc và sốt xuất huyết.
Nếu truyền dịch không đúng cho bệnh nhân, đặc biệt là truyền dung dịch glucose (đường), người bệnh đi tiểu nhiều nhưng đó là do lợi tiểu thẩm thấu. Tức là, bệnh nhân đi tiểu nhiều nhưng thực ra là không tốt bởi lúc đó mất nước trong cơ thể khiến bệnh nhân rơi tình trạng sốc tự do.
BSCK II Nguyễn Minh Tiến cũng cảnh báo, các phòng mạch, phòng khám tư không nên truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì truyền dịch không đúng chỉ định vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa gây khó khăn cho bác sĩ trong điều trị.
"Quan điểm truyền dịch để ngăn ngừa vào sốc sốt xuất huyết là quan điểm sai. Sốt xuất huyết là một diễn tiến tự nhiên, không phải truyền dịch là ngăn ngừa được tình trạng sốc của người bệnh. Khi bệnh nhân vào sốc mà trước đó có truyền dịch thì sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị", bác sĩ Tiến cảnh báo.
Cùng chung quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chỉ truyền dịch khi có chỉ định. Những trường hợp đó là bệnh nhân nôn ói nhiều kèm theo tiêu chảy, không ăn uống được, mất nước, lượng nước vào cơ thể không đủ,... Tuy nhiên, bác sĩ phải xem nhu cầu thực tế lượng nước mất đi chứ không phải lượng bù theo dạng chống sốc. Còn những trường hợp khác, có sốt mà không triệu chứng gì thì không nên truyền dịch bởi vì truyền dịch trước như vậy khi bệnh nhân vào sốc sẽ gặp khó khăn cho vấn đề điều trị tiếp theo của bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Phong, trường hợp 2-3 ngày đầu bệnh nhân chỉ sốt, chưa có triệu chứng gì khác thì nên uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạ sốt, tránh ăn những thức ăn có màu đen, đỏ và sẫm mùa, không nên truyền dịch trong những ngày đầu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, phòng khám và phòng mạch tư tuyệt đối không được truyền dịch bởi vì không đúng chỉ định, nhiều lúc nguy hiểm. Người dân thích truyền dịch đạm, vitamin C… để mau khỏe nhưng vô tình những cái này có thể gây sốc.
"Dịch truyền vitamin C có thể gây sốc với người bị tim mạch, vitamin nhóm B (B1, B6, B12) dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng.... cho người bệnh. Do vậy, để bảo đảm tính mạng người bệnh, tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại cơ sở tư nhân, việc truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế cho phép để khi có sự cố được xử lý được kịp thời. ", Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
L.Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tuyet-doi-khong-duoc-tu-y-truyen-dich-cho-benh-nhan-sot-xuat-huyet-a18310.html