Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét tuyển theo quy định riêng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực… Đáng chú ý, điểm chuẩn bằng phương thức xét học bạ của hầu hết các trường đều tăng khá cao so với năm trước.
Tính theo thang điểm 30, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần bao gồm Báo chí, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Cả 3 ngành đều có điểm chuẩn 30,5 điểm. Riêng chuyên ngành Văn hóa học - Văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30 điểm.
Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có ngành lấy điểm chuẩn 29,75 điểm; Trường đại học Cần Thơ có tới 6 ngành có điểm chuẩn trên 29 điểm; một số chương trình đào tạo của Trường đại học Ngoại thương lấy điểm chuẩn học bạ 30-30,5 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi); Trường đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn học bạ lên tới 29,38 điểm...
Theo báo điện tử Đại đoàn kết, phân tích từ các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân điểm chuẩn học bạ năm 2022 của các trường đại học tăng là do số lượng hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có nhiều điểm cộng… Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là điểm học bạ tăng cao; lượng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng nhiều,… nên điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ cũng tăng mạnh.
Trước tình trạng thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt phương thức xét học bạ, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu vấn đề: Nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển, song kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được “làm đẹp”?
Theo Tuổi trẻ Online, đánh giá về việc có giúp học sinh "làm đẹp" học bạ hay không, ThS Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng đâu đó chắc sẽ có tình trạng như vậy. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng việc nâng điểm, nương nhẹ học sinh không phải vì thành tích hay mục đích cá nhân mà vì lương tâm, tình thương với học trò của mình.
"Ví dụ, tôi không nâng điểm cho học trò nhưng thầy cô khác làm như vậy, học sinh của mình thiệt thòi. Trong cái guồng như vậy, giáo viên sẽ cảm thấy tội cho học trò của mình nên phải nương nhẹ với học sinh. Từ đó, các thầy cô chạy đua với nhau. Cái này không phải vì thành tích mà đó là hệ quả của việc sử dụng kết quả học tập vào việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Điều này khiến giáo viên dạy cũng ức chế lắm", ông Thịnh cho biết.
Tương tự, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chính việc tính kết quả học tập bậc phổ thông vào xét tốt nghiệp THPT và xét đại học bằng học bạ khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó.
"Học sinh đậu đại học nhiều, trường phổ thông được tiếng vang. Giáo viên cũng muốn học sinh mình vào được đại học. Chính vì chưa có hệ thống đánh giá chung bậc phổ thông nên kết quả mỗi trường, của mỗi giáo viên không đồng nhất dẫn đến sự gian dối trong đánh giá. Thậm chí, có giáo viên cố tình ra đề khó để học sinh phải đi học thêm, sau đó điểm lại cao chót vót điều này làm cho học sinh nhận thức không đúng về năng lực của mình", ông Vinh nói.
Về vấn đề này, ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại có quan điểm, sử dụng điểm học bạ bậc THPT là phương thức xét tuyển tạo nguồn tuyển sinh tốt cho các trường, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Trước đây, các trường đại học sử dụng phương thức này còn ít nên chưa có hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn học bạ như năm nay.
"Nhiều điểm học bạ là thực chất, phản ảnh được năng lực thực thụ của học sinh. Tuy nhiên, không loại trừ hiện tượng nâng điểm, ưu ái trong khâu ra đề thi và chấm thi. Nếu năng lực thực sự của học sinh không tương xứng với điểm số và điều này là phổ biến thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục.
Trong xét tuyển, điểm ảo này sẽ tác động đến chất lượng đầu vào của các trường đại học. Bất kỳ trường đại học nào cũng muốn tuyển được thí sinh phù hợp nhất, có năng lực tốt nhất vào các ngành học. Thế nhưng, với hiện tượng này, các trường không thể biết được liệu thí sinh trúng tuyển có chất lượng như điểm số hay không.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT tạo nên có đánh giá thấu đáo để đưa ra giải pháp phù hợp vì trong giáo dục, tính đúng và tính công bằng là tối quan trọng", ThS Trần Nam chia sẻ trên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Hiện, có những thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 theo phương thức xét học bạ nhưng vẫn… rớt đại học. Nói về vấn đề này PGS. TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ trên báo Đại đoàn kết, với những em đạt nhiều tiêu chí xét tuyển, các em nên tham gia xét hết, không bỏ qua phương thức nào. Việc tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp với bản thân thay vì chờ đợi vào duy nhất một phương thức xét tuyển.
Hiện tại, nhiều trường đã công bố mức điểm trúng tuyển bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhưng để chính thức đỗ vào các trường, thí sinh phải đỗ tốt nghiệp THPT và phải đăng ký xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian đăng ký từ ngày 22/7 đến 17h ngày 22/8.
Thúy Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/xet-tuyen-hoc-ba-lo-ngai-nang-luc-thuc-su-cua-hoc-sinh-khong-tuong-xung-voi-diem-so-a18206.html