Từ chiến sỹ lái xe Trường Sơn đến Giám đốc xí nghiệp vận tải
Nhiều cựu chiến binh, đồng đội tại Thái Bình vẫn thường nhắc đến Giám đốc Xí nghiệp vận tải 27/7 huyện Đông Hưng bằng cái tên quen thuộc “Sơn cháy”. Biệt danh ấy xuất hiện cách đây đúng 50 năm sau khi chiến sỹ lái xe Zin157 Phạm Ngọc Sơn (Binh trạm 42, Đoàn 559) cứu cả đoàn xe của đơn vị thoát khỏi loạt bom của địch trên dốc Con Mèo (thuộc đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, địa phận qua xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn kể lại, năm 1972 khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhất, ông vừa tròn 18 tuổi và chỉ nặng 38 kg vẫn xung phong đi bộ đội. Sau khi được học lái xe cấp tốc 45 ngày tại Trường lái xe Quân khu 3, ông được phân công nhiệm vụ tại Binh trạm 42, Đoàn 559, hoạt động trên địa bàn huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 26/6/1972, ông được đơn vị giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn xe 42 chiếc vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm tiếp ứng cho mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Khi tới trọng điểm dốc Con Mèo, xe của ông bất ngờ trúng bom Napan của địch và bốc cháy dữ dội. Dù toàn thân bị bỏng, nhưng ông vẫn bình tĩnh lái xe vượt dốc và cho xe lao xuống vực, bảo đảm an toàn cho 41 đồng đội với hàng trăm tấn hàng đi sau. Biệt danh “Sơn cháy” cũng theo ông từ ngày đó…
Sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1979, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn lại tiếp tục tham gia quân ngũ, chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trở về quê năm 1986, ông công tác ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh; nghỉ hưu năm 1992.
Năm 1996, ông Sơn quyết định thử sức ở lĩnh vực mới. Ông vận động nhiều đồng đội là thương binh, cựu chiến binh trên địa bàn cùng góp vốn thành lập Hợp tác xã vận tải thủy bộ Đông Hưng (nay là Xí nghiệp vận tải 27/7 huyện Đông Hưng). Từ một hợp tác xã nhỏ bé chỉ có vài đầu xe với nhiều khó khăn, đến nay xí nghiệp đã có trên 60 đầu xe các loại, phục vụ vận tải khách và vận tải hàng hóa đến các tỉnh, thành phố trên cả nước với gần 200 lao động. Trong số đó, khoảng 80% lao động là con của thương bệnh binh, bộ đội phục viên, xuất ngũ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hơn 10 năm tham gia Xí nghiệp vận tải 27/7 huyện Đông Hưng, anh Nguyễn Hữu Thưởng (thôn Tăng, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) cho biết, từ một thanh niên trẻ chưa thạo việc, anh đã được cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn tạo điều kiện, hướng dẫn, chỉ dạy nhiệt tình. Đến nay, anh đã trở thành thợ sửa chữa ô tô lành nghề, thu nhập ổn định trung bình 15 triệu đồng/tháng.
Trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội
Là người trực tiếp tham gia chiến đấu ở 2 mặt trận, hơn ai hết, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn hiểu những hy sinh, mất mát của đồng đội cho độc lập, tự do của dân tộc. Ông chia sẻ, may mắn hơn so với rất nhiều đồng chí, đồng đội khác là còn sống và được trở về với gia đình, quê hương, bởi vậy ông luôn tâm niệm làm sao để giúp được đồng đội vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ông Sơn nhấn mạnh: “Dưới bom đạn chiến tranh, cận kề sự sống và cái chết, chúng tôi đã kề vai sát cánh cùng nhau thì không có lí do gì trong thời bình lại không giúp đỡ nhau”.
Trong ba năm (2015, 2016, 2019), cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn và gia đình đã ủng hộ 180 triệu đồng để xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa tặng đồng đội là nữ cựu chiến sỹ Trường Sơn đang sống đơn thân. Không chỉ vậy, trên cương vị Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Đông Hưng với khoảng 1.000 hội viên, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn tích cực vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương, chia sẻ, giúp đỡ đồng đội vơi bớt khó khăn.
Trước đây, bà Ngô Thị Lợi (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng) sống trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp. Chồng mất sớm, sức khỏe của bà lại yếu nên cuộc sống rất khó khăn. Được sự giúp đỡ của ông Phạm Ngọc Sơn và đồng đội trong Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Đông Hưng cùng con cháu, anh em họ hàng, đầu năm 2022, bà đã xây được ngôi nhà mới. Bà Lợi cho biết, hoạt động hỗ trợ đồng đội của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói chung và đặc biệt là cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn nói riêng có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần, nghĩa tình đồng đội cao đẹp.
Không chỉ trọn vẹn với đồng đội còn sống, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn còn luôn trăn trở với những người đã hy sinh. Năm 2021, ông đầu tư gần 100 triệu đồng cải hoán chiếc xe U-oát thành xe chuyên biệt để đón hài cốt các liệt sỹ về quê hương miễn phí. Với ông, đón được các liệt sỹ về với đất mẹ là niềm an ủi với thân nhân gia đình và với cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, ông sẽ hỗ trợ phương tiện cho 10 thân nhân gia đình liệt sỹ.
Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình cho biết, dù trong thời chiến hay thời bình, chiến trường hay thương trường, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu, nhiệt tình trong các hoạt động của Hội. Không chỉ hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho đồng đội, hàng năm, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn còn tặng nhiều suất quà cho thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, nạn nhân da cam… Ông Phạm Ngọc Sơn là một trong 7 tấm gương điển hình của tỉnh Thái Bình tham dự Hội nghị gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn cho biết, khi nào còn sức khỏe, còn đi được, còn có khả năng về kinh tế, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ những đồng đội để tri ân công lao, hy sinh của những người đã khuất và giúp xoa dịu nỗi đau của những người ở lại.
Thu Hoài
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tron-nghia-nuoc-non-ven-tinh-dong-doi-a18147.html