Bổ sung cơ chế, chính sách
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế tăng trưởng đạt 6,92%; thu ngân sách đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 84,3% so với dự toán. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ tăng trưởng 7,89%; khách du lịch tăng 44%; Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch...
Thảo luận tại hội trường, ý kiến các đại biểu cơ bản thống nhất với kết quả đạt được. Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện các khung chính sách, tháo gỡ các khó khăn nội tại. Đại biểu Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho rằng, tỉnh cần xem xét bổ sung đầu tư các thiết chế về văn hóa, thể thao, bởi hoạt động này sẽ góp phần vào việc tạo diện mạo mới cho đô thị di sản Huế trong tương lai.
Liên quan đến việc phục hồi kinh tế, đại biểu Hà Văn Tuấn, Bí thư Thị ủy Hương Trà cũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, thông qua các chỉ tiêu cho thấy, kinh tế của tỉnh đang từng bước phục hồi.
Theo Bí thư Thị ủy Hương Trà, dù nhiều ngành có sự tăng trưởng cao nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ, quy mô GDP còn thấp; lao động kiếm việc làm, gia nhập thị trường lao động còn khó khăn. Ngoài ra, mặc dù tổ chức nhiều hoạt động phục hồi, song lượng khách du lịch không nhiều so với các tỉnh thành miền Trung khác. “Chúng ta cần tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi phát triển để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt cần đẩy mạnh phân bổ vốn. Đối với lĩnh vực du lịch, ngành cần nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Tôi cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ cấp dưỡng ở bậc mầm non, đặc biệt khu vực nông thôn”, đại biểu Hà Văn Tuấn nêu ý kiến.
Một số đại biểu cũng đề xuất tỉnh và các địa phương xem xét các phương án quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, nhận thức để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế đề nghị tỉnh cần dành quỹ đất xây dựng khách sạn, trung tâm hội nghị lớn để có thêm cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.
Cũng liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại biểu Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thông tin một số khó khăn trong công tác lập quy hoạch. Đó là quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch; vướng mắc trong việc lấy ý kiến người dân về lập đồ án quy hoạch; khó khăn về nguồn kinh phí. Ông Viên kiến nghị: “Các địa phương cần chủ động bố trí thêm nguồn vốn để đẩy nhanh việc lập đồ án quy hoạch, cần làm thế nào để đẩy nhanh tỉ lệ quy hoạch”.
Sẵn sàng thích ứng trong tình hình mới
Tại kỳ họp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ sự nhất trí những ý kiến phát biểu, góp ý, phân tích của các đại biểu về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Ông Bình cho rằng, nhiều ý kiến đã tập trung vào những vấn đề mà xã hội, cử tri toàn tỉnh quan tâm. “UBND tỉnh xin tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các Ban HĐND tỉnh để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo, chương trình, dự án đã đề ra và tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thành xây dựng các đề án, quy hoạch quan trọng. Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Sớm triển khai kết luận của Tỉnh ủy về thực hiện thí điểm chính sách.
Du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”. Xây dựng các giải pháp phục hồi phát triển du lịch, kích cầu phát triển thị trường du lịch nội địa và thị trường khách quốc tế để thu hút du khách. Hỗ trợ phát triển mạnh các loại hình thương mại, dịch vụ, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử,…
Đối với ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành, phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chú trọng công tác đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR index).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án đầu tư công chậm tiến độ, chậm giải ngân. Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và các dự án ngoài ngân sách nhà nước. Tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Kết luận phiên thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, đó là những vấn đề lớn, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện lời hứa của mình trước HĐND tỉnh.
Lê Thọ
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thua-thien-hue-hoan-thien-chinh-sach-tap-trung-phat-trien-kinh-te-6-thang-cuoi-nam-a17974.html