Ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập, các trường ngoài công lập cũng đã thông báo về mức điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Tối 29/6, trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu cũng đã công bố mức điểm chuẩn của trường là 46 điểm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mức chuẩn của trường này không ổn định hay có xu hướng giảm như hầu hết các trường mà tăng dần theo giờ.
Cụ thể, sáng 30/6, điểm chuẩn vào trường là 46 điểm, có hiệu lực từ 8h-11h sáng.
Đến buổi chiều cùng ngày, trường đã nâng điểm chuẩn lên thành 49 điểm.
"Nhà trường chỉ nhận 30 hồ sơ đạt mức điểm trên. Các trường hợp đăng ký ghi danh vẫn được xét tuyển theo mức điểm sáng 30/6”, thông báo của trường nêu rõ.
Sáng nay (1/7), nhà trường lại tiếp tục phát đi thông báo chỉ nhận 10 hồ sơ đạt mức điểm từ 50,5.
Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Tuấn Huy (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc trước kiểu công bố điểm chuẩn biến động như trên sàn giao dịch chứng khoán của trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu. "Đây có phải là luật chơi riêng của các trường ngoài công lập? Sáng 29/6, gia đình tôi đã đinh ninh là cháu đủ điểm chuẩn vào trường, nhưng vì đang bận đi công tác, không ở Hà Nội nên dự định sẽ nộp hồ sơ sau, nào ngờ điểm lại tăng vèo vèo".
Một phụ huynh khác nói trong ngân ngấn nước mắt cho biết, cả ngày thứ 7, chị xếp hàng đợi đến lượt nộp hồ sơ cho con vào trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu. Đến lượt chị vào nộp thì được thông báo hết giờ, nhà trường không nhận hồ sơ nữa. Sáng nay, chị đến sớm để xếp hàng thì mức điểm vào trường đã lên 50.5. Phụ huynh này thẫn thờ không biết con mình sẽ đi đâu, về đâu.
Cũng theo phản ánh của một số phụ huynh, trường còn có luật chơi đặc biệt như nhận nộp lệ phí ghi danh 2 triệu đồng. Ai ghi danh sớm sẽ được "tặng' thêm 1 điểm. Trường hợp học sinh trúng tuyển vào các trường nhưng không học sẽ không được trả lại lệ phí ghi danh.
Thực tế, nhiều trường THPT ngoài công lập dùng những cách này để ràng buộc học sinh.
Trước đó, trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cũng yêu cầu từ ngày 26/6, mỗi học sinh khi làm thủ tục nộp hồ sơ phải nộp các khoản đóng góp tổng cộng là hơn 6 triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn vào các trường công lập, học sinh rút hồ sơ, khoản tiền này sẽ không được hoàn lại mà nộp về quỹ khuyến học của trường.
Hay trường THPT Đào Duy Từ cũng đề nghị phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ. Một khi đã nộp hồ sơ, nhà trường đề nghị gia đình không rút hồ sơ và cam kết sẽ học ổn định tại trường trong 3 năm học, đồng thời nộp luôn khoản đóng góp là hơn 3 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về cách làm "lạ" của các trường THPT ngoài công lập, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay, Sở đã nắm được thông tin về sự việc này.
"Ngày hôm qua, Sở đã có công văn gửi các trường để nhắc nhở chung về công tác tuyển sinh. Các trường ngoài công lập được tự chủ về các nội dung bao gồm cả các khoản kinh phí. Họ không chỉ hoạt động theo Luật Giáo dục mà còn hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Sở đã có công văn nhắc nhở chung, đảm bảo các trường ngoài công lập thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục".
Trong khi đó, nội dung văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội gửi các trường THPT trên địa bàn thành phố mới chỉ có những nội dung mang tính "chung chung" như: " Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ".
"Các trường công lập không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh hoặc cha mẹ học sinh kể cả bán hồ sơ cho học sinh. Đối với các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh"./.
Theo vov.vn
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ha-noi-phu-huynh-quay-cuong-nop-ho-so-vao-10-nhu-choi-chung-khoan-a1796.html