Sáng 27/6, các thí sinh 2000 tiếp tục bước vào các môn thi cuối cùng là Sử - Địa - Giáo dục công dân thuộc bài thi KHXH kỳ thi THPT Quốc gia.
Nguyễn Chi Mai, học sinh trường THPT Kim Liên hào hứng cho biết, trái với suy nghĩ đề sẽ dài lê thê, đề thi cả 3 môn đều có độ dài vừa phải, khiến em không mất quá nhiều thời gian để đọc đề. Trong 3 môn, Mai cho biết đề môn Lịch sử mất nhiều thời gian làm bài nhất, trong khi 2 môn còn lại đều không quá vội vã để làm bài.
“Đề Sử thực ra không khó lắm nhưng có một số câu em không chắc chắn do tập trung ôn thi khối D, thành ra đành phải… khoanh bừa. Nhưng số lượng câu khoanh bừa không nhiều nên em hi vọng vẫn đạt điểm trung bình đủ để tốt nghiệp” - Mai nói.
Vừa rời phòng thi, Nguyễn Bảo Khanh, nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đề rất sát với chương trình học nên dù trải qua 150 phút làm bài trong một buổi thi, Khanh vẫn không thấy mệt. Một số câu của môn Giáo dục công dân (GDCD) khiến em mất thời gian để suy nghĩ, tuy nhiên vẫn kịp hoàn thành bài thi trước khi hết giờ.
Nhiều thí sinh vô cùng hài lòng với đề thi môn GDCD, môn học lần thứ 2 được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. “Môn GDCD trở nên sống động, ý nghĩa hơn nhờ đề thi mở, bỏ lối học vẹt, nhồi nhét lâu nay”, một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành nêu quan điểm.
Kết thúc thời gian 150 phút làm của 3 môn thi, những thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết đề thi tổ hợp năm nay các môn đều bám sát chương trình học.
Theo thí sinh Phạm Hà Diệu Hương, học sinh Trường THPT Việt Đức, đề thi môn Lịch sử khó nhất trong 3 môn thi. Bởi đề lịch sử với nhiều kiến thức trải dài lịch sử Việt Nam, có độ bao quát cao, tuy nhiên đề thi chỉ là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, không có liên hệ thực tế nên không có nhiều sáng tạo. Còn đối với môn Địa lý thì tập trung về các vùng miền, vì được sử dụng atlat nên các thi sinh đều làm bài hết sức thuận lợi. “Đề thi môn Địa lý và môn GDCD chính là môn “cứu cánh” cho thí sinh để thuận lợi xét tốt nghiệp”, Hương nói.
Năm nay, thí sinh không còn phải học thuộc lòng các sự kiện Lịch sử, dữ liệu Địa lý... nhưng do đề trắc nghiệm bao trọn toàn bộ chương trình lớp 12 nên các sĩ tử vẫn phải ôn tập nhiều, không bỏ sót phần nào. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng.
Mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Các Bộ, ngành trung ương và địa phương, các Sở GD&ĐT, các trường ĐH đã phối hợp dành những điều kiện tốt nhất để thí sinh yên tâm dự thi trong tâm trạng thoải mái nhất.
Tình Thương (Tổng hợp)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bai-thi-to-hop-kh-xh-duoc-danh-gia-vua-suc-voi-thi-sinh-a1793.html