Về đêm, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên sáng và đẹp như một công viên - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
"Giỗ trận" là cách gọi của người lính Vị Xuyên nhắc ngày này 38 năm trước, gần 1.000 người lính trẻ đã thương vong chỉ trong một buổi sáng, với hơn 600 anh em hy sinh.
Và những chuyến hành hương giỗ trận từ gần 10 năm nay không chỉ là câu chuyện của riêng những người lính Vị Xuyên mà còn là nơi tìm về của tất cả những người lính đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Vị Xuyên - tháng 7 không quên
Những người lính trở lại miền cao nguyên đá này không chỉ thắp nén nhang tưởng niệm đồng đội hay gặp lại những anh em từng vào sinh ra tử. Hàng ngàn người lính mà chúng tôi gặp ở Hà Giang, ở Vị Xuyên những ngày này, trong niềm thương tiếc vẫn ánh lên nét rạng rỡ mừng vui khi về lại chiến địa xưa.
Không chỉ là niềm vui sau hai năm đại dịch đã khiến anh em khó gặp được nhau, đến nay mới được sum vầy đông đủ. Niềm vui lớn hơn là nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - nơi an nghỉ của đồng đội hy sinh trong cuộc chiến từ 1979 - 1989 nay đã trở thành một công trình tưởng niệm vừa bề thế trang nghiêm vừa mang dáng dấp của một hoa viên giữa chập chùng núi đá.
Hai năm trước, khi phóng viên Tuổi Trẻ đi thực hiện loạt bài về công tác quy tập hài cốt liệt sĩ trên những chiến địa quanh các cao điểm 685, 772... của xã Thanh Thủy, chúng tôi mới hay số mộ phần của các liệt sĩ được quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên chưa được một nửa, chỉ 1.730 ngôi mộ, trong khi số anh em hy sinh ở đây là 4.000. Nghĩa là còn hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ chưa được đưa về!
Cho dù thế thì hôm nay những người lính về lại Vị Xuyên sẽ ấm lòng hơn khi trong ngôi đền thờ liệt sĩ vừa được xây dựng trong khuôn viên nghĩa trang tên của 4.000 liệt sĩ được khắc lên những tấm bảng đồng. Dòng tên cuối cùng trên mấy chục tấm bảng đồng trong đền thờ mang số thứ tự 4.000 là liệt sĩ Phàn A Hòn quê ở Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang.
Sẽ rất khó để nghĩ đến ngày quy tập đủ 4.000 mộ phần anh em về đây, nhưng chỉ một dòng tên được khắc trang trọng trên tấm bảng đồng trong đền thờ như bài vị riêng của người lính, hẳn giữa thăm thẳm non cao kia, dù thân xác chưa về cùng đồng đội nhưng chúng tôi tin linh hồn anh em cũng ấm lòng với khói nhang ấm áp mỗi ngày trong đền thờ giữa hoa viên nghĩa trang này.
Cũng mùa giỗ trận năm nay, thêm 10 hài cốt liệt sĩ được đội tìm kiếm quy tập đưa về hương khói tại đền thờ vào chiều 9-7.
Sáng 10-7, nghi lễ truy điệu và an táng 10 liệt sĩ tìm thấy đợt này được tổ chức trang trọng với sự có mặt của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các tỉnh thành khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thực hiện nghi thức đưa các hài cốt liệt sĩ từ đền thờ ra khu vực hành lễ - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Ngôi nhà "3 cứng"
Khi nhìn thấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nắm tay vào chiếc đòn khênh chiếc quách mang hài cốt liệt sĩ thỉnh từ đền thờ ra khu vực hành lễ, nhiều cựu chiến binh không nén nỗi mừng vui. Những niềm vui mà anh em cựu binh mặt trận Vị Xuyên có được hôm nay có một phần quan tâm của ông khi đang đương chức chủ tịch nước.
Còn nhớ năm 2014, kỷ niệm 30 "giỗ trận" của những người lính Vị Xuyên (12-7-1984 - 12-7-2014) phóng viên báo Tuổi Trẻ đã theo anh em cựu binh sư đoàn 356 về lại cao điểm Vị Xuyên và kể lại câu chuyện này trên báo.
Hai hôm sau, chiều 14-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời những cựu binh của mặt trận Vị Xuyên vào và đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. Nhiều kiến nghị, đề xuất của các cựu binh đã được chủ tịch nước lưu ý và chỉ đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - thương binh và xã hội theo chức năng của mình tiếp tục giải quyết sớm các chính sách liên quan cho các cựu binh.
Nhưng không dừng lại ở đó, vốn là người nặng lòng cùng biên ải, ngay sau khi nghỉ hưu, bằng tình cảm và uy tín của mình ông vẫn tiếp tục rất nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào vùng biên giới.
Chiều 9-7 vừa qua, chúng tôi cùng ông Trương Tấn Sang vào bản Khén, xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê, Hà Giang) khánh thành và trao nhà cho hộ bà Khấu Thị Đẹp, đây là ngôi nhà được xây dựng theo tiêu chí "3 cứng: cứng mái, cứng nền, cứng tường" trong số hàng ngàn ngôi nhà hỗ trợ cho các cựu binh khó khăn và các hộ nghèo dọc dặm dài biên ải từ sự chủ trương và sự vận động của nguyên chủ tịch nước. Chỉ riêng bản Khén đã có ba hộ gia đình được hỗ trợ nhà "3 cứng" trong dịp này.
Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của ông Trương Tấn Sang, người sáng lập Nhóm thiện nguyện "Chia sẻ - Sharing" là người đã hỗ trợ ông rất nhiều trong các chương trình do ông kêu gọi.
Như chương trình đầu tiên về hỗ trợ nhà ở cho các cựu chiến binh mặt trận biên giới, bà Hạnh kể đợt xây nhà đó "chốt sổ" là 356 căn, và tình cờ lại trùng hợp với phiên hiệu của sư đoàn 356 của mặt trận Vị Xuyên, đơn vị chịu nhiều hy sinh nhất trong trận chiến ngày 12-7-1984.
Bà Nguyễn Thị Tranh, trưởng nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing, cho biết kinh phí hỗ trợ mỗi ngôi nhà trong đợt đầu tùy hoàn cảnh, xê dịch từ 50 - 60 triệu đồng/căn, nhưng rồi sau đó nhiều hộ nghèo quá, không thể "đối ứng" vậy là nhóm phải hỗ trợ thêm để hoàn thành được ngôi nhà.
Ấm lòng dân biên ải
Dâng hương ở Đài tưởng niệm điểm cao 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên) - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Con số những ngôi nhà ấm lòng dân biên giới dành cho cựu chiến binh và hộ nghèo từ kêu gọi và vận động của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn tại lễ tri ân, chỉ riêng tỉnh Hà Giang đến nay đã có hơn 5.800 căn nhà cho các cựu chiến binh và hộ dân khó khăn bởi có dọc dài theo biên ải mới biết nếu không được hỗ trợ và tiếp sức rất nhiều hộ gia đình sẽ mãi mãi không có ngôi nhà tử tế để ở.
Không chỉ là hàng ngàn hộ nghèo có nhà, khi còn đương chức, ông Sang cũng đã phát động chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" giao cho Bộ tư lệnh Biên phòng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với UBND 11 tỉnh biên giới và vùng Tây Bắc thực hiện. Hàng chục vạn con bò đã trở thành sinh kế của người dân vùng cao từ tấm lòng của ông.
Trong buổi lễ tri ân tổ chức ở hội trường huyện Vị Xuyên dịp này, xung quanh khu vực tổ chức chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những chuồng trâu, bò, lợn... được quây tạm. Hóa ra trở lại Vị Xuyên dự giỗ trận lần này, rất nhiều bộ ban ngành đã góp cùng ông thêm những món quà theo cách mà ông đã từng làm, là thiết thực với dân sinh.
Như Bộ Kế hoạch và đầu tư tặng bà con đàn trâu 20 con trị giá 300 triệu đồng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng đàn bò sinh sản 10 con trị giá 120 triệu đồng.
Đặc biệt các thành viên nhóm Chia sẻ - Sharing ngoài việc hỗ trợ chi phí đi lại cho các cựu chiến biên khó khăn về dự lễ, tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ và nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn còn hỗ trợ 600 con lợn giống cho các cựu binh và hộ nghèo ở hai huyện Vị Xuyên và Bắc Mê.
Tôi tin linh hồn những người lính nằm lại ở Vị Xuyên sẽ vui vì nơi an nghỉ của họ đã được xây dựng khang trang, sẽ vui vì đồng đội vẫn đông đúc về đây khói nhang viếng vọng.
Nhưng chắc chắn linh hồn những người lính đã hy sinh ở Vị Xuyên hay ở suốt dọc dài biên cương phía Bắc sẽ còn vui hơn khi trên mảnh đất được giữ gìn bằng chính máu xương thanh xuân của các anh những đời dân sẽ được sống trong no ấm và không còn ai phải đói nghèo!
Nến ấm mộ phần liệt sĩ trong đêm giỗ trận - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Nhìn những cựu chiến binh và dân bản nhận những món quà trong dịp "giỗ trận" lần này, tôi chợt nhớ tới câu nói của một nhà văn khi nhắc về sự hy sinh của người lính: "Những người chết đi không hề mong được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống. Là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm...".
LÊ ĐỨC DỤC
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vi-xuyen-nghia-trang-liet-si-da-thanh-hoa-vien-a17922.html