Không thể “đánh đồng”
Theo GS. TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, TPHCM là chính quyền đô thị khác với chính quyền cấp tỉnh, ở đô thị có nhiều việc, phải quản lý dân số đông đúc. Hay ở một quận khác với một huyện, ở quận có nhiều vấn đề như quy hoạch đô thị, an ninh xã hội… cần phải giải quyết nhiều việc hơn nên không thể đánh đồng.
Hiện tại TPHCM, tỷ lệ dân số trên đầu công chức cao gấp nhiều lần so với các thành phố và địa phương khác nên việc phân bổ biên chế cho quận/huyện, phường/xã tại TPHCM cũng bằng các tỉnh khác là một thiệt thòi cho TPHCM.
“Cần phải xem lại, cấp biên chế theo huyện/xã, theo đầu dân hay theo tiêu chí khác? Tiêu chí một phường khác, tiêu chí một xã khác và tiêu chí trên đầu dân sẽ khác. Ở các nước trên thế giới, khu vực đô thị phức tạp hơn, phát sinh nhiều vấn đề hơn khu vực nông thôn, do vậy số người tham gia quản lý, làm việc ở đô thị sẽ nhiều hơn. Như TPHCM là TP có rất nhiều dân vãng lai, nhiều bệnh viện, trường học mà người dân nơi khác đều đổ về đây thì người phục vụ phải tăng lên. Vì thế, không thể tính chỉ tiêu biên chế trên đầu dân cố định, phải căn cứ vào tính phức tạp của vấn đề”- GS. TS Cành chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng, khi phân bổ biên chế phải căn cứ vào khối lượng công việc không thể căn cứ theo đơn vị hành chính. Vì công việc ở mỗi nơi mỗi khác, ví dụ, một đơn vị hành chính như Bắc Cạn, ít ai đổ về đó như vào TP HCM, vì thế tại TP có nhiều vấn đề phải giải quyết về công ăn việc làm, con người…thì cần phải có người làm điều đó.
“Phải dựa trên khối lượng công việc và mức độ phức tạp để giao biên chế, không thể bình quân được số lượng công chức, viên chức theo đơn vị hành chính” – PGS. TS Phát nhấn mạnh.
Phải xây dựng chỉ số việc làm
Theo nhiều chuyên gia, TP HCM phải xây dựng các chỉ số việc làm, đánh giá được chức năng, nhiệm vụ, năng lực ngành nghề. Danh mục ngành nghề nào phát sinh phục vụ chung cho cộng đồng, không chỉ phục vụ riêng cho TP HCM như ngành y, giáo dục… phải xây dựng các chỉ số về việc làm gắn với trình độ.
Về bộ máy tổ chức, phải xem lại bộ máy chức năng có bị cồng kềnh, cùng chức năng mà nhiều nơi làm hay không?
“Không thể nói chỗ tôi dân số cao phải cần người nhiều mà phụ thuộc rất nhiều vào chức năng, nhiệm vụ, tính phức tạp của vấn đề. Chức năng gì, ai thực hiện, có chồng chéo hay không? Phải cắt những chồng chéo đi thì mới xây dựng được chức danh nghề nghiệp của công chức, viên chức, chỉ số làm việc của mỗi người để đánh giá”- GS. TS Cành góp ý.
Về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành để giảm bớt số người phục vụ, chuyên gia cho rằng cần phải có lộ trình. Việc ứng dụng CNTT, các nền tảng của kinh tế số vào các lĩnh vực sẽ giảm được biên chế nhưng phải có một lộ trình cụ thể không thể áp dụng giảm biên chế ngay.
“Phải có quá trình, ví dụ trong 5 năm, phải tính toán một bước đi hợp lý, đồng bộ. Chúng ta phải có kế hoạch thực hiện, kể cả về khoa học kỹ thuật” – PGS. TS Phát chia sẻ.
PHƯƠNG NGÂN
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-khong-can-cu-vao-don-vi-hanh-chinh-de-giao-bien-che-a17912.html