Cần điều trị sớm tật dính thắng lưỡi cho trẻ

Theo thống kê có khoảng 5% trẻ sơ sinh gặp phải tật dính thắng lưỡi và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi tiêm chủng.

Dính thắng lưỡi ở trẻ là dị tật bẩm sinh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng chức năng của lưỡi. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dị tật dính thắng lưỡi, có một số nghiên cứu chỉ ra, dính thắng lưỡi có yếu tố di truyền.

Từ khi mới sinh ra, một bé trai 5 tuổi ngụ tỉnh Tiền Giang hoạt bát và phản xạ nhanh nhẹn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng khi bắt đầu tập nói, giọng nói của bé bập bẹ không tròn vành, rõ chữ, gia đình cứ nghĩ con giống như những đứa trẻ khác nên không để ý. Đến khoảng 5 tuổi, bé vẫn nói ngọng nhiều nên gia đình lo lắng và đưa bé đi bệnh viện khám.

a3-1657637901.jpg

Trẻ bị dính thắng lưỡi khi phát hiện đã qua giai đoạn vàng.

“Ban đầu tôi chỉ nghĩ bé còn nhỏ nên phát âm chưa hoàn thiện, đến về sau nhiều người cho rằng bé mắc dị tật nên mới đưa con đi khám thì được chẩn đoán bị dị tật thắng lưỡi. Gia đình cảm thấy rất buồn vì không phát hiện sớm hơn”, mẹ bé chia sẻ.

BS.CKII Trần Thị Thuý Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TPHCM cho biết, trẻ nói ngọng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mắc các vấn đề về tâm lý, hay bệnh về thần kinh… Tật dính thắng lưỡi cũng là một trong số các nguyên nhân thường gặp gây ra nói ngọng, khó nói ở trẻ.

Khoảng 5% trẻ sơ sinh mắc tật dính thắng lưỡi được phát hiện ngay sau khi sinh, hoặc trong tháng đầu đời khi đi khám sức khỏe, khi đưa trẻ đi chích ngừa, nhưng cũng nhiều trẻ được phát hiện muộn hơn. Trẻ phát hiện muộn sẽ phải trải qua các triệu chứng như khó bú, chậm tăng cân, đến tuổi bắt đầu tập nói thì có biểu hiện nói khó, lớn hơn chút thì nói ngọng, khó khăn trong giao tiếp. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và khả năng học tập của trẻ.

Nguyên nhân là do thắng lưỡi của trẻ bị ngắn hơn so với bình thường. Thắng lưỡi là một dải mô nhỏ kéo dài từ sàn miệng đến đáy lưỡi. Nếu trẻ bị ảnh hưởng nhiều do tật dính thắng lưỡi thì cần thực hiện cắt thắng lưỡi. Thời điểm cắt tốt nhất là trước độ tuổi trẻ tập nói.

Cắt thắng lưỡi là một thủ thuật nhỏ nhưng cần hết sức thận trọng vì cảm giác đau có thể gây ra sự ám ảnh kéo dài cho trẻ, làm trẻ sợ ăn, nuốt, há miệng. Có nhiều trường hợp phụ huynh chia sẻ về tình trạng sau cắt thắng lưỡi trẻ bị ám ảnh đến nỗi sợ ăn trong thời gian dài.

Khi tiến hành phẫu thuật, thay vì gây mê hoặc gây tê bằng thuốc như thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng mặt nạ ngủ để bé đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, còn gọi là tiền mê. Bé sẽ ngủ yên lúc bác sĩ phẫu thuật, không có cảm giác đau đớn, không giãy giụa, không chấn thương tâm lý. Cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh chóng trong khoảng 10 phút, sau đó bé sẽ thức dậy, tỉnh táo hoàn toàn, uống sữa được bình thường và xuất viện trong ngày.

Sau phẫu thuật, cha mẹ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không cho bé cắn, ngậm vật cứng hoặc sờ vào vết cắt để tránh chảy máu, nhiễm trùng; cho bé uống nhiều nước và vệ sinh miệng sau mỗi lần ăn. Đối với trẻ nói ngọng, sau phẫu thuật cần kiên trì trong việc luyện cho con phát âm đúng.

Bác sĩ Hằng khuyến nghị, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm nếu thấy trẻ khó bú, nuốt; khó phát ra âm thanh, đầu lưỡi có hình chữ V khi khóc; thắng lưỡi ngắn, lưỡi không di chuyển được sang hai bên, không nâng được lưỡi chạm vào hàm trên, không đưa được lưỡi ra khỏi hàm dưới, nói ngọng không rõ nguyên nhân. Bởi vì đó có thể là các dấu hiệu của tật dính thắng lưỡi.

THúy Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-dieu-tri-som-tat-dinh-thang-luoi-cho-tre-a17863.html