Trước đó, bé trai này xuất hiện sốt. Hai ngày sau đó, bé bắt đầu xuất hiện phát ban. Gia đình đã đưa bé đi khám tại trạm y tế phường. Tại đây, bé được lấy mẫu xét nghiệm và gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả xét nghiệm, bé trai đã dương tính với sởi.
Bé trai này chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Hiện tại, bệnh nhi đã khỏi bệnh, không để lại di chứng.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi xuất hiện rải rác quanh năm, thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân.
CDC Hà Nội khuyến cáo, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Để có được đủ lượng kháng thể, trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ đạt 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 được tiêm vào thời điểm trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời, khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp.
Chính vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Bệnh sởi rất dễ lây, do đó, cha mẹ không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ.
Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.
LH
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ha-noi-ghi-nhan-ca-mac-soi-dau-tien-trong-nam-2022-a17653.html