Bí quyết “ăn” điểm môn Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia

(NĐ&ĐS) – Môn Giáo dục Công dân (GDCD) được xem là môn thi “cứu cánh” cho thí sinh trong việc xét điểm tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, cũng như xét tuyển vào các trường đại học.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh sẽ phải dự thi 3 môn bắt buộc (Ngoại ngữ, Văn, Toán) và 1 môn trong 2 môn tự chọn là khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Giáo dục công dân, Sử , Địa) để xét tốt nghiệp.

Môn GDCD được xem là môn học “cứu cánh” cho các thí sinh

Với 9 chủ đề cơ bản, rất ngắn gọn và những vấn đề thực tiễn, liên quan trực tiếp tới đời sống, học sinh dễ dàng liên hệ với cuộc sống hằng ngày mà không cần phải cặm cụi bên cuốn sách giáo khoa đơn điệu. Ưu điểm này giúp tăng khả năng ghi nhớ và có cơ hội đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Cụ thể, đề thi sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, có 20% kiến thức của lớp 11. Mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời và thí sinh phải chọn một đáp án đúng duy nhất.

Trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng.

Làm thế nào để đạt điểm cao môn Giáo dục Công dân?

Chắc chắn khi biết sẽ thi môn GDCD trong kỳ thi THPT Quốc gia nhiều bạn sẽ cảm thấy lo lắng vì không biết sẽ phải ôn luyện như thế nào. Ở thời điểm này, môn GDCD gần như là không có sự đánh đố quá cao siêu cho học sinh nên các bạn chỉ cần nắm vững tất cả các kiến thức trong sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12 là sẽ có thể làm tốt được bài thi.

Thông thường khi nhận đề thi môn GDCD các bạn thí sinh sẽ thấy hơi "hoảng" vì nhìn đề khá dài.

Tuy nhiên đề sẽ có 40 câu trong 50 phút. Trong đó kiến thức trong sách giáo khoa sẽ chiếm khoảng 70% và kiến thức liên hệ bên ngoài sẽ chiếm khoảng 30%.

Như vậy để đạt được điểm 7 các bạn có thể hoàn toàn học trong sách giáo khoa. Còn nếu muốn đạt điểm cao hơn bạn có thể chú ý các thông tin về luật trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Bí quyết “ăn” điểm môn Giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia
Môn GDCD về cơ bản để kiểm tra kiến thức văn hóa xã hội của các bạn thí sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  Ảnh minh họa

Đối với câu tình huống, trước tiên gạch chân vào cụm từ thể hiện trọng tâm câu hỏi để từ đó hình dung ra kiến thức cần để vận dụng trả lời câu hỏi tình huống đó. Khi xác định được câu hỏi nên gạch chân vào các nhân vật liên quan đến câu hỏi sau đó lựa chọn đáp án phù hợp.

Trước câu hỏi tình huống có những chi tiết gây nhiễu, học sinh cần phân biệt được phần nào là phần gây nhiễu, sau đó tập trung vào trọng tâm câu hỏi. Học sinh cần bình tĩnh suy xét vấn đề để sử dụng kiến thức cho phù hợp, giữ tâm lí thoải mái, không nên bị chi phối bởi những tình huống khó, khi đó sẽ không sáng suốt để đưa ra được đáp án đúng.

Chủ động ôn luyện môn GDCD

So với các môn học khác, thời lượng môn GDCD trên lớp là khá ít. Chỉ có 45 phút/ tiết/ tuần. Hơn nữa sẽ hiếm khi có một lớp lò luyện thi môn GDCD, chính vì vậy các thầy cô sẽ không có nhiều thời gian để ôn luyện cho các bạn thí sinh.

Các bạn có thể tự chủ động ôn luyện tại nhà nhưng vẫn có thể đạt điểm cao, đầu tiên hãy nắm chắc tất cả các lý thuyết trong sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12. Sau đó có thể tham gia làm đề thi thử online của NXB Giáo dục.

Môn GDCD về cơ bản để kiểm tra kiến thức văn hóa xã hội của các bạn thí sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, các câu hỏi sẽ xuyên sâu vào sự vận dụng bài học trên lớp vào trong cuộc sống thức tế. Vì vậy, các bạn thí sinh không cần quá hoang mang và lo lắng về môn thi này.

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra đề thi minh họa các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đánh giá của đội ngũ thầy cô, đề thi năm nay có khối lượng kiến thức khá tổng hợp. Đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và kiến thức lớp 12 đòi hỏi thí sinh cần có sự hiểu biết tổng hợp và có sự liên hệ giữa các bài học nhiều hơn.

Tình Thương

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bi-quyet-an-diem-mon-giao-duc-cong-dan-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-a1740.html