Hoạt động tặng sách không chỉ mang ý nghĩa tiết kiệm, tận dụng giá trị sách giáo khoa đã qua sử dụng mà hơn thế còn giáo dục học trò nâng cao ý thức giữ gìn sách vở, sống có trách nhiệm với xã hội và những người có hoàn cảnh khó khăn…
Giáo dục từ hoạt động ý nghĩa
Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều năm qua triển khai hiệu quả, đều đặn phong trào tiếp nhận sách giáo khoa cũ, đồ dùng học tập để tặng học sinh các trường vùng khó. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Phụ huynh, học sinh thấy được ý nghĩa việc làm này nên hoàn toàn ủng hộ. Cứ kết thúc năm học việc tặng sách giáo khoa cũ được các lớp và học trò thực hiện nền nếp, tự nguyện, hồ hởi. Nhiều học sinh còn cẩn thận thay bọc sách giáo khoa cũ trước khi tặng nhà trường…
Đáng nói, trường không chỉ huy động việc tặng sách giáo khoa một cách đơn thuần hay thực hiện cho có. Trường đã lấy hoạt động này lồng ghép vào những giờ học ngoại khóa, tiết học đạo đức… để giáo dục, tăng cường ý thức gìn giữ sách vở, tinh thần “tương thân tương ái”, biết sống vì mọi người của học sinh. Được hòa mình trong hoạt động ý nghĩa, các em sẽ thấy tự hào, việc giáo dục đạo đức thêm hiệu quả, gần gũi, không giáo điều…
Cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, với phụ huynh ở thành phố, việc trang bị 1 bộ sách giáo khoa cho con mỗi năm học là việc không lớn. Tuy nhiên với trường học vùng khó, đời sống thiếu thốn nên việc sắm đủ 1 bộ sách giáo khoa là khoản chi tiêu lớn của gia đình “đến hẹn lại lo”.
Cũng theo cô Phương Anh, sách giáo khoa hiện nay được cải tiến, in ấn đẹp, chất liệu tốt, sau một năm học nếu học sinh biết giữ gìn có thể tận dụng lại, tránh lãng phí. Do đó, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên nhắc nhở học sinh bảo quản sách giáo khoa. Sau mỗi học kỳ hoặc cuối năm học, Đoàn trường sẽ huy động, gom góp, phân loại sách tặng lại trường học có nhu cầu.
“Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong xã hội phát triển trở nên bức thiết. Dù học sinh có vô cảm nhưng bằng hoạt động tặng sách giáo khoa cũ cũng có thể đánh thức trong tâm hồn các em về sự sẻ chia, đùm bọc với người hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hôm nay là sự chia sẻ những cuốn sách giáo khoa cũ, nhưng dần dần sẽ hình thành trong các em lòng yêu thương, sẻ chia, biết sống vì người khác. Đây là giá trị giúp học sinh phát triển toàn diện dù chỉ qua hoạt động nhỏ bé…”, cô Phương Anh bày tỏ.
Em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, em không nghĩ những cuốn sách giáo khoa cũ mình tặng lại nhà trường có thể giúp ích cho các bạn học sinh nghèo nên chưa chú tâm đến việc làm này. Được sự chỉ bảo, phân tích của thầy cô, em đã thấy được việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn nên đã tích cực tham gia. Em thấy vui khi được giúp đỡ người khác, đồng thời hình thành ý thức giữ gìn, tiết kiệm không chỉ trong việc sử dụng sách giáo khoa, đồ dùng học tập mà cả đồ dùng khác…
Giá trị phía sau cuốn sách cũ
Vài năm gần đây, Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) nhận được hàng trăm đầu sách giáo khoa cũ do học sinh Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tặng lại. Từ nguồn sách này, trường tiếp tục phân loại những cuốn sách tốt nhất để học sinh tái sử dụng. Cách làm này sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được khoản chi tiêu đầu năm học, về phía nhà trường bổ sung được nhiều đầu sách vào kho sách dùng chung. Bất kỳ khi nào học sinh mất, hỏng sách đều có sẵn sách để thay thế.
Thầy Hà Trần Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: Do trường tặng và nhận sách cùng bậc học nên ban giám hiệu 2 trường thường xuyên kết nối, động viên thăm hỏi. Đặc biệt lãnh đạo, giáo viên Trường PTDTBT THCS Khao Mang có thể trực tiếp học hỏi thêm về công tác quản lý, chuyên môn. Từ đó rút kinh nghiệm, đổi mới hoạt động giáo dục trong nhà trường, góp phần tích cực vào quá trình triển khai Chương trình GDPT mới…
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) chia sẻ: Ban giám hiệu, phụ huynh, học sinh… vô cùng cảm động khi nhận được sự hỗ trợ hàng trăm đầu sách giáo khoa cho học sinh từ một số trường học tại Hà Nội. Dù học sinh vùng khó có chế độ hỗ trợ đồ dùng học tập, song tận dụng được nguồn sách giáo khoa cũ sẽ giúp phụ huynh có thể chuyển sang trang bị quần áo, dày dép, đồ dùng học tập… đầy đủ, tươm tất hơn trước khi học sinh bước vào năm học mới.
Với gần 1.300 học sinh tại 19 điểm lẻ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng khó thì sách giáo khoa đã qua sử dụng vẫn vẹn nguyên giá trị và vô cùng cần thiết để đảm bảo nguồn sách được dự trữ, tăng cường đầy đủ cho học sinh khi cần.
Chị Ôn Thị Lý, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) có 3 con trong độ tuổi đi học. Nếu không có sự hỗ trợ sách giáo khoa cũ từ các nhà trường dưới xuôi, gia đình sẽ hết sức khó khăn, không thể mua được 3 bộ sách đầu năm học mới. Do vậy, mỗi bộ sách được tặng với gia đình chị Lý như món quà, gửi gắm niềm tin và động viên các con cố gắng.
Đức Trí
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nang-gia-tri-sgk-cu-cuon-sach-cho-di-niem-vui-o-lai-a17276.html