Giá xăng cao - ngư dân không dám vươn khơi

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khoảng một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động vì giá xăng dầu cao kỷ lục.

Cũng theo cơ quan này cho biết, mỗi tháng bình quân hoạt động khai thác thủy sản tiêu thụ khoảng 330 triệu lít dầu, trong khi giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng hơn 1,7 lần so với cuối năm 2021, đắt hơn 12.440 đồng so với cuối 2021.

Nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào cho sản xuất của tàu cá khai thác thủy sản. Thêm vào đó, giá nhiên liệu tăng đã đẩy giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản tăng theo 10-15%. Kết quả là chi phí đầu vào khai thác thủy sản đội lên 35-48%, trong khi giá bán đầu ra lại tăng không đáng kể.

tau-1656135148.jpg
Nhiều ngư dân chấp nhận cho thuyền nằm bờ, vì có đi cũng chẳng có công thậm trí bù lỗ.

Tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, hàng loạt tàu thuyền công suất lớn, chuyên đánh bắt ngoài khơi xa của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… xếp hàng nằm bờ.

Ông Huỳnh Hoàng - Chủ tàu cá đến từ Quảng Ngãi cho biết: “Mỗi chuyến vươn khơi tàu của ông tiêu tốn hết 30.000 lít dầu tương đương tổng cộng mỗi chuyến đi tàu của tôi mất 800 triệu đồng đến 1 tỉ bao gồm chi phí xăng dầu và thực phẩm hiện nay. Mỗi chuyến đi của ông thường kéo dài từ 25 đến 30 ngày”.

Theo ông Hoàng, từ đầu năm đến nay tàu của ông chỉ vương khơi được 1 lần vào đầu tháng tư vừa qua. Giá xăng, dầu tăng nhanh kéo theo giá các thực phẩm cũng tăng theo nên mỗi chuyến đi của ông cùng bạn tàu hầu như hoà vốn, không có lời. Do đó, ông Hoàng quyết định cho tàu nằm bờ chờ giá dầu ổn định trở lại.

"Những khó khăn này dẫn tới 40-55% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân. Chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản trong nước, xuất khẩu bị ảnh hưởng theo", Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nêu trong văn bản vừa gửi hai bộ: Công Thương, Lao động - Thương binh & Xã hội.

Bộ Nông nghiệp còn cho rằng, số tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Trước những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị hai bộ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Theo đó, thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá xăng dầu tăng được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019, tức khoảng 3-4,4 triệu đồng một người, trong vòng 6 tháng.

Đến cuối năm ngoái, cả nước có gần 91.720 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, trong đó tàu cá khai thác ven bờ hơn 42.640 chiếc; tàu khai thác xa bờ 30.391 chiếc...

Mỗi năm khai thác thủy sản đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác trên biển và gần 4 triệu lao động ngành dịch vụ thủy sản ven bờ.

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước trải qua 16 đợt điều chỉnh, trong đó dầu diesel có 13 lần tăng giá, 3 lần giảm giá. Giá xăng và dầu diesel đều đã tăng lên mức kỷ lục sau điều chỉnh ngày 21/6 vừa qua, lần lượt 32.870 đồng một lít RON 95-III và 30.010 dầu diesel 0,005S-II.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến giảm thêm 1.000 đồng mỗi lít xăng, 500 đồng một. lít dầu thuế bảo vệ môi trường, nhưng mức giảm này bị các chuyên gia, doanh nghiệp chê ít. Hiện tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng chiếm hơn 1/3 giá bán lẻ.

Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng (VAT), nhập khẩu là các loại thuế có thể cân nhắc, đề xuất giảm.

 

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/gia-xang-cao-ngu-dan-khong-dam-vuon-khoi-a17253.html