Nhiều người lao động phải "cắm" sổ BHXH vay 500.000 đến 1 triệu đồng mua gạo

Theo điều tra, có đến 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…

Theo Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7, tiền lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ tăng thêm 6%, như vậy, trung bình, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng tùy từng khu vực.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, khi tăng lương tối thiểu vùng, người lao động sẽ được hưởng lợi. Đây là khung sườn để các doanh nghiệp thực hiện theo, nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng, người lao động có thể kiện.

“Quỹ lương doanh nghiệp cũng phải tăng theo, đó là điều dĩ nhiên. Điều này một mặt ảnh hưởng đến người sử dụng lao động nhưng là tin vui đối với người lao động. Chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng tới người lao động để họ được đảm bảo quyền lợi và hứng khởi làm việc hơn, có cơ hội tăng thêm thu nhập cho gia đình”, bà Thùy nói.

Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, tăng lương, người lao động vừa mừng vừa lo, bởi khi lương chưa kịp tăng thì giá cả nhiều mặt hàng đã tăng “vượt” lương. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để mức lương tăng thêm được thực chất, người lao động đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Chia sẻ về thực tế tiền lương và mức sống của người lao động hiện nay, bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy cho biết, tại Công may liên doanh Plummy ở thời điểm hiện tại, mức lương bình quân chung theo khảo sát của công đoàn cơ sở 6 tháng đầu năm 2022 là 5,680 triệu đồng/tháng/48h lao động/tuần.

So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước, bà Hà Thị Phương Anh khẳng định, người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu, và có thể dự phòng. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.

“Tôi chưa tính đến những phát sinh ốm đau, hay cưới giỗ, thăm hỏi, quê quán, tôi đang nói đến sự leo thang của giá cả thị trường dẫn đến thu nhập của người lao động phải thực sự tiết kiệm tối đa chi phi để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi dám chắc 50% người lao động cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống. Dù đây là khó khăn không riêng gì với công ty, người lao động chúng tôi, mà của cả đất nước và thế giới khi vừa trải qua thời gian tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19”, bà Hà Thị Phương Anh nói.

Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty may Plummy cho rằng, một trong những khó khăn của người lao động hiện nay là khi đi làm tại doanh nghiệp, họ không thể gửi con tại trường công lập, bởi thường tại các trường công giờ đón con khá sớm, khoảng 17h. Trong khi đó, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca đến 6 – 7 giờ tối. Công nhân tại các doanh nghiệp bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục. Do vậy, chi phí cũng sẽ tăng lên. Chưa tính đến kinh phí đi lại, ăn uống.

Bà Hà Thị Phương Anh ước tính, với một gia đình cơ bản, 2 vợ chồng, 2 con, thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng, chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.

Để đảm bảo cho lương tối thiểu đảm bảo cho người lao động đủ sống, bà Hà thị Phương Anh hy vọng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ, chính sách tốt nhất cho người lao động cũng như có các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Chỉ khi người lao động được đảm bảo đời sống, mới có động lực để phát triển tại các nhà máy nói riêng và đất nước nói chung.

Cùng nói về vấn đề đời sống công nhân, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, theo điều tra, 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở.

“Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…

Tôi cũng chia sẻ thông tin về băn khoăn của nhiều doanh nghiệp rằng, tăng lương thì ảnh hưởng khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tôi muốn đề cập về giải Nobel kinh tế 2021 trao cho ba nhà khoa học Mỹ với nghiên cứu về lương tối thiểu. Họ đã đưa ra kết luận, những tác động tiêu cực của tăng lương tối thiểu là nhỏ và không đáng kể.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp xác định, càng khó khăn thì càng phải tăng lương cho người lao động. Và từ việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng năng suất, hiệu quả lao động, dẫn đến doanh thu tăng cao cho doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, đây là mối quan hệ rất hài hoà”, ông Vũ Minh Tiến khẳng định.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh đến việc kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện tăng lương như thế nào. Nếu doanh nghiệp nào có công đoàn mạnh, khả năng đàm phán tốt thì thực hiện tăng lương nhưng không cắt giảm phúc lợi. Nhưng thực tế trước đây, có những doanh nghiệp tăng lương lại cắt phúc lợi. Vì thế, tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH./.

N.T

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhieu-nguoi-lao-dong-phai-cam-so-bhxh-vay-500000-den-1-trieu-dong-mua-gao-a17248.html