Sẽ giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 20/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ phân cấp việc quản lý và giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp quản lý, để đảm bảo quản lý đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng, đoàn thể và khối hành chính nhà nước.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chúc mừng các phóng viên, biên tập viên nhân 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề "luôn nóng bỏng" và cần đổi mới. Vừa qua, cùng với việc rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tiến hành phân cấp triệt để công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương, làm đúng vai trò, vị trí, thẩm quyền của mình trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ hiện chỉ thực hiện tổ chức thi nâng ngạch đối với chuyên viên cao cấp.

"Để cắt giảm 152 chứng chỉ, trong đó có  61/63 chúng chỉ của công chức, 89 chứng chỉ của viên chức, bỏ chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học thời gian qua là không hề đơn giản, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện việc này", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.

Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, ngành khẩn trương ban hành thông tư trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và triển khai nghiêm túc Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tin về chủ trương sẽ phân cấp trong vấn đề quản lý và giao biên chế về công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương trực tiếp quản lý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, vừa qua, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, Ban Chỉ đạo Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị, hiện chưa có kết luận chính thức, nhưng sẽ thực hiện theo hướng này.

Lý giải thêm, bà cho biết, trước đây, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cũng như theo các nghị định hiện hành, Bộ Nội vụ hàng năm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức cho các bộ, ngành địa phương. Còn số lượng viên chức của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định. Nhưng tới đây, theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ trực tiếp giao trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị và kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, sẽ phân cấp triệt để vấn đề quản lý và giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, để đảm bảo quản lý một cách đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng, đoàn thể, cũng như khối hành chính nhà nước.

Theo đó, sẽ giao biên chế tổng thể cho cả giai đoạn 2022-2026, từ đó giao chỉ tiêu để chúng ta thực hiện mục tiêu giảm tối thiểu khoảng 5% biên chế công chức, giảm số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 10%, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Khẳng định bước đầu thực hiện sẽ có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ cố gắng tham mưu để hoàn thiện nội dung này, đảm bảo phân cấp triệt để theo đúng tinh thần, chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phân cấp, phân quyền trên tất cả các lĩnh vực.

Chú thích ảnh

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

"Bộ Nội vụ rất mạnh dạn trong vấn đề này, quyết tâm đổi mới và đi đầu trong vấn đề thực hiện phân cấp, phân quyền, nhất là trong việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống hành chính nhà nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ này cũng đang tiến hành đánh giá tác động về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, làm cơ sở cho việc nghiên cứu từng bước xây dựng một nền công vụ chung đảm bảo liên thông giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên. "Để làm sao chúng ta chỉ xây dựng một nền công vụ thôi, không như hiện nay là hai chế độ công vụ, đó là một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và một chế độ công vụ cấp xã", bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thời gian qua, và cho biết, các địa phương rất chú trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Đã đến lúc chúng ta cũng phải tính toán để bảo đảm liên thông, chỉ có một chế độ công vụ. Sau khi đánh giá tác động xong, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này, để thực hiện theo lộ trình, nâng dần chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, hướng đến xây dựng một hệ thống chính trị ở cơ sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Chu Thanh Vân

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/se-giao-bien-che-cong-chuc-vien-chuc-cho-ban-thuong-vu-tinh-uy-a17131.html