Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp như hiện nay, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi một khi nhà nước đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, đi kèm với đó, ngoài giải quyết được một số lượng lớn công nhân xây dựng, thợ cơ khí, lực lượng kỹ sư, thiết kế có việc làm thì việc tiêu thụ các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể, góp phần tạo đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

thu-ns-bnews-vn-1655673212.jpg

Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 20%).

Tiến độ giải ngân còn thấp

Tại Bắc Kạn, công trình đường giao thông từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chiếm hơn 60% vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh, với số tiền cần giải ngân lên đến 1.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn còn 3 gói thầu chưa thể triển khai do thiếu đường công vụ, thiếu mặt bằng và nhiều vị trí đổ thải.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn, đơn vị chủ đầu tư công trình cho biết: “Tình trạng biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai thi công công trình. Bên cạnh đó, một số khu vực việc giải phóng mặt bằng phải chờ thủ tục theo quy định nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi đã giải ngân được 15% giá trị công trình, so mặt bằng chung chúng tôi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu kế hoạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc sát sao các đơn vị, nhà thầu, kiên quyết điều chuyển khối lượng với các nhà thầu chậm tiến độ hoặc không đảm bảo năng lực”.

Đến hết tháng 4, tỉnh Bắc Kạn chỉ giải ngân được khoảng 4% trong tổng số hơn 2.600 tỉ đồng vốn năm 2022. Hiện tại, tỉ lệ giải ngân cũng mới đạt khoảng 20% kế hoạch. Ngoài yếu tố khách quan như thời tiết, biến động giá xăng dầu hay một số công trình phải chờ phân bổ vốn…vẫn có nguyên nhân là một số đơn vị còn thiếu linh hoạt, chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu và giải phóng mặt bằng.

Còn tại Cao Bằng, hết tháng 5 cũng mới chỉ giải ngân hơn 8% trong tổng số hơn 3.700 tỉ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022. Việc chậm giải phóng mặt bằng, việc lập hồ sơ đầu tư dự án chưa sát dẫn tới phải mất thời gian bổ sung, điều chỉnh hay thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư còn chậm… là nguyên nhân cơ bản. 

Ngoài việc tập trung đẩy nhanh thực hiện thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, chính quyền tỉnh Cao Bằng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện khối lượng chuyển tiếp từ 2021, tập trung tháo gỡ vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, nhất là nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng. Các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện đi trước đón đầu các dự án và giám sát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu; Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; Khi nhận được hồ sơ trình thẩm định, chậm nhất sau 5 ngày phải có văn bản trả lời trong trường hợp hồ sơ chưa đủ và cố gắng rút ngắn 30-50% thời gian giải quyết thủ tục thẩm định so với quy định.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp, UBND tỉnh An Giang vừa có buổi làm việc với 40 chủ đầu tư cùng lãnh đạo các sở, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho những tháng còn lại của năm 2022.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/5/2022 đạt 14,73% so tổng kế hoạch vốn được giao. Phân tích nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm so với tiến độ đề ra, các chủ đầu tư cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình bị giải ngân chậm là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, phê duyệt thầu, xem xét năng lực nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư... 

Một số dự án tại các địa phương chậm hoàn thành trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hoặc điều chỉnh dự án, như: Dự án đầu tư tăng cường trang thiết bị Trung tâm Công nghệ sinh học, Dự án xây dựng mới Khoa Xét nghiệm và Khoa Giải phẫu bệnh lý (Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh), Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Châu Thành, Dự án mở rộng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Trung…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến ngày 31/5/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 đạt 92,9% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch; ước thanh toán đạt 22,37% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,12% kế hoạch). Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 20%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; trong đó, nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với 12 bộ, cơ quan trung ương, 16 địa phương đến ngày 31/5/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao; 5 cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bị phê bình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và trang tin điện tử của Bộ theo quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bị phê bình có báo cáo kiểm điểm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt...; đồng thời, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, triển khai nhanh, có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
 

PL

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/de-cao-vai-tro-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-viec-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a17104.html