Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị về chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu COVID-19 cho người dân TP. Hồ Chí Minh diễn ra sáng 18/6.
Theo đó, các đối tượng thụ hưởng bao gồm các nhóm cư dân thành phố theo tuổi, giới, ngành nghề lao động như sau:
Nhóm cư dân yếu thế: Trẻ em mồ côi do dịch COVID0-19, trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người vô gia cư, người lao động nghèo; nhóm thanh thiếu niên trên các địa bàn dân cư; nhóm học sinh (các bậc học trung học) và sinh viên (bậc giáo dục nghề); nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 với các triệu chứng kéo dài hậu COVID về sức khỏe tâm thần; nhóm lao động tuyến đầu chống dịch (y tế, quân đội, công an, vệ sinh môi trường và tình nguyện viên)
Các tổn thương về tâm lý, thần kinh được ghi nhận hàng loạt ở những người đã nhiễm COVID-19 ngay sau khi sóng dịch kết thúc. Tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, hụt hơi, ho, đau ngực, sương mù não, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm… đã được báo cáo xuất hiện trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ nặng đến nhẹ.
Tất cả những triệu chứng đó còn có thể bao gồm nhiều vấn đề sức khỏe tiếp diễn nghiêm trọng khác mà gọi chung là di chứng COVID hay hội chứng hậu COVID (PCC).
Hội chứng này hiện nay xuất hiện trong một phổ rộng từ những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng cho tới những người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có những chương trình nghiên cứu, can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố được tiến hành một cách toàn diện..
Vì vậy, việc xây dựng đề án chương trình "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19" trở nên cấp thiết như một hành động nhân văn, ý nghĩa của chính quyền thành phố đối với những công dân đã cùng thành phố vượt qua đại dịch.
Chương trình nhằm phát hiện, dự phòng, trợ giúp và tư vấn cho người dân thay đổi nhận thức, hành vi và quan tâm hơn đến việc chăm sóc, tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân, gia đình, và cộng đồng hậu COVID-19.
Chăm sóc đại trà và chăm sóc chuyên biệt về sức khỏe tâm thần hậu COVID-19, tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng vệ của người dân với những khó khăn, rối nhiễu về mặt tinh thần, đặc biệt là các yếu tố then chốt trong việc xây dựng đời sống tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc góp phần đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe, tinh thần của cá nhân và gia đình.
Dự kiến, TP. Hồ Chí Minh sẽ chi gần 5,9 tỷ đồng cho Chương trình này.
PV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tp-ho-chi-minh-chi-gan-59-ty-dong-cham-soc-suc-khoe-tinh-than-cho-nguoi-dan-hau-covid-19-a17102.html